Điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP huyện Thanh trì được đặt tại thôn Văn Điển, xã Tứ Hiệp với không gian gần 200 m2.
Theo bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương Hà Nội, thành phố đã công nhận gần 800 sản phẩm từ 3 sao trở lên là sản phẩm của làng nghề trên địa bàn thành phố; trong đó, huyện Thanh Trì có 49 sản phẩm được thành phố đánh giá, công nhận phân hạng.
Để hỗ trợ các chủ thể OCOP thúc đẩy sản xuất, thành phố đã chỉ đạo khảo sát, lựa chọn, khai trương thêm điểm giới thiệu, sản phẩm. Điều này giúp tăng động lực và quyết tâm giữ vững chất lượng của các chủ thể OCOP. Bởi nếu chỉ sản xuất mà không tiêu thụ được sản phẩm thì người sản xuất dễ "nản lòng" và việc công nhận chất lượng cũng không đạt được hiệu quả cao nhất - bà Lan nhận xét.
Đại diện huyện Thanh Trì cho biết, thời gian tới, huyện tiếp tục tuyên truyền, quảng bá rộng rãi hoạt động của điểm quảng bá sản phẩm để người dân biết và tham quan, mua sắm. Đồng thời, Thanh Trì sẽ kiểm tra giám sát sản phẩm OCOP để doanh nghiệp duy trì và giữ vững, nâng cao chất lượng sản phẩm; góp phần tạo thành công của điểm quảng bá; thu hút các chủ thể tham gia chương trình OCOP.
Hiện Hà Nội đang triển khai hiệu quả Đề án “Tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn giai đoạn 2020 - 2025”; trong đó, phấn đấu hết năm 2021 có 100% cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn đáp ứng điều kiện về an toàn thực phẩm, được cấp biển nhận diện.
Khảo sát tại địa bàn huyện Thanh Trì hiện có 224 cửa hàng kinh doanh trái cây. UBND huyện đã hướng dẫn 17 cửa hàng hoàn thiện các điều kiện tại Đề án để được cấp biển nhận diện. Điểm được cấp nhận diện hôm nay chính là nơi đi đầu trong việc cấp biển nhận diện kể từ khi triển khai thực hiện Đề án tăng cường quản lý cửa hàng kinh doanh trái cây của thành phố giai đoạn 2020-2025.
Nhân dịp này, Sở Công Thương Hà Nội đã trao biển nhận diện, chứng nhận cho 17 cửa hàng đủ điều kiện cấp biển nhận diện.