Tạo điều kiện, khuyến khích phát triển bền vững khu vực kinh tế tập thể

Khu vực kinh tế tập thể, mà nòng cốt là các hợp tác xã và tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh Yên Bái phát triển nhanh và đóng vai trò quan trọng trong việc cơ cấu lại sản xuất, thúc đẩy sản xuất hàng hóa, nâng cao đáng kể thu nhập cho người dân, tạo nền tảng chắc chắn cho quá trình xây dựng nông thôn mới phát triển bền vững.

Nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực

Tỉnh Yên Bái hiện có 570 hợp tác xã và 5.480 tổ hợp tác đang hoạt động trên các lĩnh vực, với trên 60.000 thành viên tham gia. Tổng doanh thu hằng năm đạt gần 2.100 tỷ đồng; trong đó lợi nhuận hằng năm trung bình của mỗi hợp tác xã đạt 280 triệu đồng và mỗi tổ hợp tác đạt trên 50 triệu đồng. Tổng số tiền nộp ngân sách hằng năm ước đạt trên 50 tỷ đồng. Phần lớn các hợp tác xã nông nghiệp còn là chủ thể chính trong việc chế biến, kinh doanh các sản phẩm OCOP của tỉnh.

Chú thích ảnh
Sản xuất miến đao Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh miến đao Giới Phiên. Ảnh: Tiến Khánh/TTXVN

Để tạo điều kiện khuyến khích phát triển bền vững kinh tế tập thể của tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025, Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái đã ban hành nghị quyết về hỗ trợ việc thành lập mới, đào tạo và thu hút nhân lực có trình độ cho các hợp tác xã, với tổng kinh phí thực hiện chính sách khoảng trên 46 tỷ đồng.

Ông Đoàn Hữu Phung, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái cho biết, hiện nay mỗi năm Yên Bái hỗ trợ ít nhất 65 hợp tác xã thành lập mới với mức hỗ trợ 20 triệu đồng/hợp tác xã; đồng thời, hỗ trợ cho 5 thành viên của hợp tác xã đi đào tạo dài hạn và 20 thành viên đi đào tạo ngắn hạn, với mức hỗ trợ 100% kinh phí  học phí, tài liệu học tập theo quy định của cơ sở đào tạo; hỗ trợ kinh phí ăn ở cho học viên bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng/người/tháng.

Đặc biệt, để thu hút nguồn nhân lực có trình độ về làm việc tại các hợp tác xã, theo ông Đoàn Hữu Phung, tỉnh Yên Bái đã hỗ trợ đưa lao động trẻ tốt nghiệp cao đẳng, đại học về làm việc tại các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Cụ thể mỗi năm, tỉnh Yên Bái hỗ trợ 10 lao động có trình độ, với mức hỗ trợ hằng tháng bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu vùng, tối đa 36 tháng/người và mỗi hợp tác xã được tuyển dụng tối đa 2 người.

Đi đôi với đó, việc hỗ trợ tiếp cận thị trường tiêu thụ, tìm kiếm đầu ra ổn định cho sản phẩm, nhất là thị trường tiêu thụ nông sản xuất khẩu của hợp tác xã và tổ hợp tác luôn được tỉnh Yên Bái đặc biệt quan tâm. Đây là khâu quyết định sự tồn tại, phát triển và cũng là khâu yếu nhất, khó khăn nhất đối với các hợp tác xã và tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh Yên Bái hiện nay.

Theo ông Vũ Vinh Quang, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Yên Bái cho biết, đối với các hợp tác xã và tổ hợp tác có sản phẩm sản xuất theo chuỗi giá trị, thực hành sản xuất xanh, đạt sản phẩm OCOP theo quy định hiện hành đều được tỉnh Yên Bái có chính sách hỗ trợ, như: tư vấn công nghệ chế biến và bảo quản sản phẩm; chuyên gia; xúc tiến đầu tư, thương mại, mở rộng và tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước; hỗ trợ 100% kinh phí thuê địa điểm giới thiệu, bán sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh.

Những vấn đề cần sửa đổi từ thực tiễn

Mặc dù Yên Bái đang triển khai thực hiện một số cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực, tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế tập thể phát triển và đã mang lại nhiều kết quả rất khả quan. Tuy nhiên, qua đánh giá từ thực tiễn phát triển kinh tế tập thể sau gần 10 năm thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012, các hợp tác xã và tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh Yên Bái vẫn còn nhiều vướng mắc, tồn tại, hạn chế, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.

Chú thích ảnh
Thành viên Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh miến đao Giới Phiên luôn đặt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm lên hàng đầu. Ảnh: Tiến Khánh/TTXVN

Nhận thấy một số vấn đề bất cấp từ thực tiễn cần sửa đổi Luật Hợp tác xã năm 2012, ông Đỗ Nhân Đạo, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã tỉnh Yên Bái cho rằng, trước hết cần chỉnh sửa về khái niệm tổ chức kinh tế tập thể, vì hiện nay chưa bao gồm tổ hợp tác nhưng thực tế tổ hợp tác là tiền đề quan trọng đề thành lập hợp tác xã. Cùng với đó, là sửa đổi số lượng thành viên tối thiểu được phép, như quy định hiện nay là quá ít so với nhu cầu để huy động vốn, lao động có thể đủ sức phát triển. Hay, việc điều chỉnh quy định cụ thể về mức vốn góp tối thiểu của thành viên, tránh trường hợp góp vốn không đáng kể nhưng hưởng lợi từ các cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước.

Hơn nữa, Luật Hợp tác xã năm 2012 không quy định hợp tác xã hoạt động như doanh nghiệp nhưng trong thực tiễn nghĩa vụ thực hiện như doanh nghiệp, như nộp thuế, nộp bảo hiểm cho người lao động, áp dụng mức lương tối thiểu vùng... Đặc biệt, quy định bắt buộc các thành viên phải sử dụng dịch vụ liên tục của hợp tác xã hoặc quy định về tỷ lệ cung ứng, tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã cho khách hàng không phải là thành viên. Điều này đang rất bất cập, cản trở, kìm hãm sự phát triển của kinh tế tập thể, gây khó khăn trong quá trình sản xuất kinh doanh của hợp tác xã.

Theo thống kê của Liên minh Hợp tác xã tỉnh Yên Bái, số hợp tác xã và tổ hợp tác hoạt động hiệu quả cũng chỉ chiếm khoảng 65% tổng số hợp tác xã và tổ hợp tác. Tỷ lệ hoạt động kém hiệu quả còn cao chiếm gần 25%, đáng chú ý có trên 10% số hợp tác xã nằm trong diện buộc phải giải thể, phần lớn số hợp tác xã này được thành lập trước khi có Luật Hợp tác xã năm 1996, nay tạm ngừng hoạt động nhưng chưa được giải thể, do còn vướng mắc về tài sản, vốn và nghĩa vụ thuế với Nhà nước.

Theo ông Ngô Hạnh Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho rằng, bên cạnh những vấn đề cần sửa đổi Luật Hợp tác xã năm 2012, nguyên nhân chủ quan nội tại cần được khắc phục, cụ thể như: ban chủ nhiệm của hợp tác xã hầu hết tuổi cao nên năng lực quản trị, điều hành hạn chế. Phần lớn chưa qua đào tạo nên thiếu năng động, nhạy bén với cơ chế thị trường; hoạt động của hợp tác xã còn nhiều lúng túng khi chuyển từ mô hình cũ sang mô hình mới; cơ sở vật chất, nguồn vốn hoạt động còn khó khăn, quy mô hoạt động nhỏ, đa số hoạt động mang tính thời vụ, không có phương án, kế hoạch phát triển dài hạn…

Bên cạnh đó, tỉnh Yên Bái đang nỗ lực giải quyết dứt điểm thủ tục giải thể, xóa tên các hợp tác xã hoạt động kém hiệu quả, không có khả năng phục hồi; tập trung nghiên cứu, rà soát đề xuất sửa đổi Luật Hợp tác xã năm 2012 cho phù hợp với thực tế để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm củng cố lại các hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển theo chiều sâu, nâng cao hiệu quả hoạt động, khuyến khích thành lập mới các hình thức kinh tế tập thể phù hợp với thực tiễn của địa phương.

Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương.

Tiến Khánh (TTXVN)
Đẩy mạnh vai trò kết nối tiêu dùng của hợp tác xã
Đẩy mạnh vai trò kết nối tiêu dùng của hợp tác xã

Phát triển kinh tế tập thể; trong đó lấy hợp tác xã làm trọng tâm đang giúp cho người sản xuất tại tỉnh Sóc Trăng gắn kết với nhau, nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN