Tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng ô nhiễm kênh, rạch

Nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm kênh, rạch trên địa bàn huyện Đức Hòa (Long An), UBND tỉnh Long An chỉ đạo các đơn vị, địa phương liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước về môi trường, đặc biệt là địa bàn tập trung các khu, cụm công nghiệp.

Chú thích ảnh
 Cụm công nghiệp Đức Hòa Đông (huyện Đức Hòa, Long An) chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung dẫn đến nước thải của các doanh nghiệp xả trực tiếp ra các nguồn tiếp nhận như kênh rạch, ao hồ. 

Theo đó, UBND tỉnh Long An yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng các cơ quan liên quan thường xuyên kiểm tra đột xuất tại các đơn vị thứ cấp hoạt động sản xuất có phát sinh nước thải lưu lượng lớn và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trong Cụm công nghiệp Đức Hòa Đông chỉnh trang, Đức Hòa Hạ chỉnh trang và Hoàng Gia; thường xuyên kiểm tra, yêu cầu các đơn vị thứ cấp phải có kế hoạch cải tạo, nâng cấp hệ thống xử lý cục bộ tại nhà máy để xử lý nước thải, đảm bảo đạt quy chuẩn xả thải trước khi thải ra nguồn tiếp nhận. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, giám sát các trạm quan trắc nước thải tự động liên tục tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn và các đơn vị có nguồn thải lớn, kết hợp với quan trắc chất lượng nước mặt tại kênh An Hạ để có hướng xử lý thích hợp.

UBND huyện Đức Hòa chủ trì kiểm tra, xử lý các khu nhà trọ chưa có hệ thống xử lý nước thải hoặc hệ thống xử lý nước thải chưa đảm bảo xử lý đạt quy chuẩn xả thải; đồng thời, có kế hoạch xây dựng phương án nạo vét các tuyến kênh rạch ô nhiễm do tiếp nhận nước thải từ sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện; phấn đấu giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm ở cụm công nghiệp chỉnh trang nêu trên và khu dân cư trong năm 2021.

Chú thích ảnh
Con kênh ô nhiễm nghiêm trọng trên địa bàn xã Đức Hòa Đông (Đức Hòa, Long An). 

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Long An, trên địa bàn huyện Đức Hòa còn các cụm công nghiệp gồm Đức Hòa Đông chỉnh trang, Đức Hòa Hạ chỉnh trang và Hoàng Gia hiện chưa xây dựng hoặc chưa lắp đặt thiết bị của hệ thống xử lý nước thải tập trung để vận hành xử lý. Nước thải phát sinh tại các đơn vị thứ cấp sau khi xử lý đều thu gom và chảy trực tiếp ra nguồn tiếp nhận.

Ngoài ra, một lượng lớn nước thải phát sinh (khoảng 6.000 - 8.000 m3/ngày đêm) từ các khu nhà trọ trên địa bàn các xã Đức Hòa Đông, Đức Hòa Hạ và Mỹ Hạnh Nam (huyện Đức Hòa) chưa được xử lý đạt quy chuẩn quy định trước khi thải ra nguồn tiếp nhận. Từ đó, dẫn đến các tuyến kênh bị ô nhiễm, thường xuyên có màu đen và phát sinh mùi hôi.

Qua thực hiện quan trắc chất lượng môi trường nước mặt tại nhiều vị trí thuộc các kênh trên địa bàn huyện Đức Hòa như An Hạ, Ranh, T1…, ngành chức năng xác định nguồn nước mặt đã bị ô nhiễm chất hữu cơ, các chất dinh dưỡng và dầu mỡ khi so với quy chuẩn so sánh QCVN 08- MT:2015/BTNMT. Trong đó, nồng độ DO không đạt và các thông số BOD5 vượt quy chuẩn từ 1,5 đến 3 lần; nồng độ COD vượt quy chuẩn từ 1,3 đến 4,6 lần; nồng độ amoni vượt quy chuẩn từ 1,2 đến 7,0 lần; nồng độ sắt vượt từ 1,2 đến 5,2 lần và nồng độ tổng dầu mỡ vượt từ 1,2 đến 9 lần.

Tin, ảnh: Bùi Giang (TTXVN)
Hà Nội cảnh báo ô nhiễm không khí nặng
Hà Nội cảnh báo ô nhiễm không khí nặng

Ngày 27/12, tại Hà Nội, hệ thống ứng dụng quan trắc không khí Iqair (www.iqair.com) đã cảnh báo không khí tại mức xấu, gây hại cho sức khỏe (màu đỏ); nồng độ chất gây ô nhiễm PM2.5 lên đến 107.6 µg/m³.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN