Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường khuyến cáo, hướng dẫn người dân tuân thủ khuyến nghị, cảnh báo: Không xuống giống lúa vụ Hè Thu 2024 ở các vùng chưa có nguồn nước ngọt ổn định, chỉ tổ chức canh tác khi có mưa trên diện rộng hoặc ở vùng có nguồn nước đảm bảo. Sở phối hợp với UBND huyện Hồng Dân và các cơ quan, đơn vị có liên quan theo dõi diễn biến tình hình sụt lún ở khu vực đã xảy ra và có nguy cơ xảy ra ở xã Ninh Quới, Ninh Quới A, thị trấn Ngan Dừa để kịp thời có giải pháp ứng cứu, xử lý.
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cũng chỉ đạo huyện Hồng Dân tiếp tục huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại do sụt lún; triển khai giải pháp đảm bảo an toàn tính mạng của người dân tại khu vực bị ảnh hưởng. Đối với những khu vực đã bị sụt lún, lực lượng chức năng khẩn trương cắm biển cảnh báo, khoanh vùng, thiết lập hành lang an toàn và lắp đặt biển cảnh báo đối với những khu vực có nguy cơ. Đặc biệt, huyện thường xuyên báo cáo tình hình ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn, thiếu nước và sụt lún đất; có đề xuất, kiến nghị về UBND tỉnh.
Theo báo cáo của UBND huyện Hồng Dân, những tháng đầu năm 2024, giá lúa nguyên liệu ở mức cao nên nhiều hộ dân ở vùng ngọt đã tự phát xuống giống, không tuân thủ theo lịch thời vụ với diện tích khoảng 4.000 ha, các trà lúa hiện đang trong giai đoạn từ 35-40 ngày tuổi. Nhận định trong khoảng 10 ngày tới, nếu không có nguồn nước ngọt bổ sung thì khả năng các trà lúa sẽ bị ảnh hưởng rất cao.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của mực nước thấp trên các tuyến kênh rạch làm cho một số tuyến đường giao thông bị sụt lún với tổng chiều dài khoảng 200m, thiệt hại khoảng 600 triệu đồng. Một căn nhà cấp 4 của người dân ở thị trấn Ngan Dừa (huyện Hồng Dân) bị sụt lún, hư hỏng hoàn toàn, gây thiệt hại khoảng 400 triệu đồng.
Để kịp thời bảo vệ các trà lúa của vụ Hè Thu sớm và khắc phục tình hình sụt lún, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị với UBDN huyện Hồng Dân. Trong đó nêu rõ, huyện khẩn trương chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương hướng dẫn người dân tuân thủ lịch thời vụ của ngành nông nghiệp; kiên quyết vận động các hộ dân tạm dừng xuống giống vụ Hè Thu sớm đối với phần diện tích còn lại trên 5.000 ha thuộc vùng ngọt ổn định của huyện.
Huyện cần thường xuyên kiểm tra độ mặn trên các tuyến kênh, rạch hướng dẫn người dân triển khai biện pháp bảo vệ diện tích lúa Hè Thu sớm đã xuống giống; sớm có phương án hỗ trợ kinh phí cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi sụt lún khắc phục thiệt hại, ổn định cuộc sống.
Theo nhận định của ngành chức năng, các hiện tượng sụt lún ở huyện Hồng Dân, nhất là trong các vùng ngọt ổn định sẽ còn tiếp tục xảy ra trước diễn biến của hạn hán và mực nước trên tuyến kênh, rạch khu vực tam giác Ninh Quới (huyện Hồng Dân) ngày càng hạ xuống thấp do người dân bơm nước lên đồng phục vụ cho lúa vụ Hè Thu sớm.