Tăng cường công tác phòng, chống dịch trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh

Ngày 1/9, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Hà Nam tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình công tác phòng, chống dịch COVID-19 và triển khai một số nhiệm vụ trong thời gian tới, đặc biệt là dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9.

Chú thích ảnh
Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Nguyễn Chinh/ TTXVN

* Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Lê Thị Thủy yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh và các cấp, ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo Trung ương, Tỉnh ủy về công tác phòng, chống dịch; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, nhất là trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9.

UBND các huyện, thành phố khẩn trương thành lập Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19, ứng trực 24/24 giờ và thực hiện nhiệm vụ tổng chỉ huy, tiếp nhận, xử lý mọi thông tin, tình huống liên quan đến phòng, chống dịch trên địa bàn. Các địa phương tiếp tục hoàn thiện phương án, kế hoạch chi tiết, cụ thể đối với từng cấp độ của dịch bệnh phù hợp với tình hình mới; ưu tiên nguồn lực cao nhất để phòng, chống dịch; quản lý chặt chẽ người dân từ các vùng, tỉnh, thành phố có dịch về tỉnh; chuẩn bị các điều kiện cần thiết, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở cách ly, tránh lây nhiễm chéo.

Lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vi phạm về phòng, chống dịch theo quy định; duy trì hoạt động các chốt kiểm soát dịch bệnh; chú trọng công tác phòng, chống dịch tại các địa bàn, lĩnh vực có nguy cơ lây nhiễm cao như: khu công nghiệp, chợ, siêu thị, địa điểm công cộng…

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội tiếp tục phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, tích cực vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch.

Bí thư cấp ủy các cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn đảm bảo kịp thời, sát sao, linh hoạt, hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Trọng Khải, Giám đốc Sở Y tế Hà Nam, từ ngày 27/4 đến nay Hà Nam đã ghi nhận 80 trường hợp mắc COVID-19, trong đó 69 người đã được xuất viện. Toàn tỉnh có gần 2.600 người đang thực hiện cách ly y tế.

* Ngày 1/9, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường đã ký ban hành Công văn số 3690 gửi người đứng đầu lãnh đạo cấp ủy các cơ quan, ban ngành, quận, huyện, xã, phường, thị trấn về việc tăng cường thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9.

Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ yêu cầu người đứng đầu lãnh đạo cấp ủy các cơ quan, ban ngành, đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện nghiêm, chặt chẽ, hiệu quả Công điện số 1108 của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 10 của Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ về tăng cường một số biện pháp cấp bách thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID -19 trên địa bàn thành phố Cần Thơ; tăng cường thực hiện nghiêm, triệt để, dứt khoát việc giãn cách xã hội theo tinh thần "ai ở đâu ở đó", tuyệt đối không để xảy ra các trường hợp tập trung đông người, không để tình trạng người dân di chuyển ra đường gia tăng trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, xử lý nghiêm theo pháp luật các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch bệnh.

Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cũng yêu cầu tổ chức tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội, an ninh an toàn trật tự xã hội để người dân tự giác, yên tâm tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh; tuyệt đối không để đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu, bảo đảm người dân được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, từ cơ sở.

Người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương các cấp chịu trách nhiệm về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và các hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn, ngành, lĩnh vực quản lý; tăng cường và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch; tổ chức ứng trực 24/24 giờ đối với các lực lượng tham gia phòng, chống dịch để kịp thời phát hiện, xử lý các vấn đề phát sinh; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác làm dịch bệnh lây lan, bùng phát; tăng cường vận động các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện, doanh nghiệp nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái tiếp tục quan tâm, ủng hộ, hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, bảo đảm cuộc sống tối thiểu trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Cán bộ, công chức, viên chức được Thành ủy, UBND thành phố phân công theo dõi, hỗ trợ phường, xã, thị trấn tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm nắm chắc tình hình địa bàn, bám sát cơ sở cùng với địa phương kiểm tra, giám sát việc thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian nghỉ lễ Quốc khánh 2/9.

* Ngày 1/9, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có Công văn 8346 về việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại một số địa phương.

Chú thích ảnh
 Lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc cho người dân xã Cư Êbur, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, chiều 30/8. Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN

Theo đó, UBND tỉnh giao Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn huyện bắt đầu từ 18 giờ ngày 1/9. Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar cụ thể hóa các nội dung của Chỉ thị 16/CT-TTg và chỉ đạo cơ quan chức năng của địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện.

Chủ tịch UBND thị xã Buôn Hồ và UBND các huyện Cư Kuin, Krông Pắc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch theo Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời “siết chặt hơn” một số nội dung, thời gian bắt đầu từ 18 giờ ngày 1/9. Cụ thể, các địa phương trên dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong 1 phòng. Trường hợp cần thiết tổ chức các hội nghị trên 20 người thì phải được sự đồng ý của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp và phải đảm bảo chấp hành tuyệt đối các quy định phòng, chống dịch. Không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm công cộng. Tạm dừng hoạt động các nghi lễ tôn giáo tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; tất cả các hoạt động giáo dục và đào tạo tại các trường học và cơ sở dạy; các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng; các cơ sở kinh doanh dịch vụ thể dục, thể thao (kể cả trong nhà và ngoài trời)…

Đối với các địa phương khác, UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 7777/UBND-KGVX ngày 17/8/2021 và Công văn số 8118/UBND-KGVX ngày 25/8/2021. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung chỉ đạo phòng, chống dịch, sẵn sàng xử lý tình huống phát sinh và chủ động áp dụng các biện pháp cần thiết trong phòng, chống dịch phù hợp với diễn biến, thực tế của địa phương, đơn vị.

Theo báo cáo của Sở Y tế, đến sáng 1/9 toàn tỉnh ghi nhận 1.085 trường hợp mắc COVID-19 tại 15 huyện, thị xã, thành phố. Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, với số ca mắc liên tục tăng, tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng kịch bản cấp độ 4 có từ 3.000 đến dưới 10.000 ca mắc trong cộng đồng; cấp độ 5 có từ 10.000 đến 20.000 ca mắc trong cộng đồng. Nhằm năng cao năng lực điều trị, tỉnh Đắk Lắk đã thành lập thêm 2 Bệnh viện dã chiến số 2 và 3 với quy mô 1.500 giường bệnh tại Trường Chính trị tỉnh Đắk Lắk và Ký túc xá Đại học Luật Hà Nội phân hiệu Đắk Lắk. Đồng thời kêu gọi đội ngũ tình nguyện viên (các y bác sỹ đã nghỉ hưu, sinh viên ngành y...) tham gia phòng chống dịch.

Nguyễn Chinh - Ngọc Thiện - Anh Dũng (TTXVN)
Hà Nam triển khai kế hoạch năm học linh hoạt, phù hợp với diễn biến dịch
Hà Nam triển khai kế hoạch năm học linh hoạt, phù hợp với diễn biến dịch

Ngày 31/8, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nam tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN