Sau 3 năm thực hiện các chương trình, huyện đã có thêm nguồn lực quan trọng để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cải thiện thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều vướng mắc cần sớm được tháo gỡ, giải quyết. Trong đó có nhiều khó khăn “vĩ mô”, cần sự hỗ trợ, tháo gỡ từ tỉnh và các bộ, ngành trung ương.
Ưu tiên nguồn lực cho huyện nghèo
Đắk Glong là huyện nghèo, đặc biệt khó khăn, nằm ở phía Đông Nam tỉnh Đắk Nông. Huyện có diện tích tự nhiên hơn 144.000ha, dân số gần 84.000 người, gồm nhiều thành phần dân tộc sinh sống trong đó chủ yếu là người Mông, M’Nông, Mạ, Kinh, Tày, Nùng…
Nằm tiếp giáp với thành phố Gia Nghĩa, thủ phủ của tỉnh Đắk Nông, nhưng huyện Đắk Glong có địa hình rộng, đồi núi chia cắt, giao thông đi lại khó khăn. Đây cũng là huyện có hệ thống cơ sở hạ tầng thuộc diện hạn chế, khó khăn nhất của tỉnh Đắk Nông hiện nay. Toàn huyện có 7 đơn vị hành chính cấp xã thì có tới 6/7 xã là xã đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, toàn huyện có 61 thôn, bon thì có tới 30 bon đồng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ (chiếm gần 50%).
Trong những năm qua, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Đắk Glong luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các bộ, ngành trung ương, của Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân tỉnh Đắk Nông và các Sở, ngành của tỉnh. Đối với huyện, Đắk Glong xác định giảm nghèo là ưu tiên hàng đầu và cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã vào cuộc quyết liệt, đồng bộ.
Đến nay, sau gần 20 năm thành lập huyện và hơn 3 năm triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Đắk Glong đã đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm theo từng năm, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân nói chung và hộ nghèo nói riêng ngày càng được nâng lên. Cùng với đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiếp tục được giữ vững, niềm tin của nhân dân đối với đảng, chính quyền địa phương các cấp ngày càng được củng cố.
Cụ thể, năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều của huyện Đắk Glong hơn 39%, trong đó, hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 64%. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 13,44% (giảm 25,71% so với năm 2021), hộ nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số còn 22,24% (giảm 41,43% so với năm 2021). Hiện, Đắk Glong phấn đấu đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện còn dưới 10%; Thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo đạt hơn 17,2 triệu đồng/người/năm (tăng khoảng 1,8 lần so với năm 2020).
Về nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, từ năm 2022 – 2024, Đắk Glong được phân bổ hơn 782 tỷ đồng. Trong đó, gần 383 tỷ đồng để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; hơn 365 tỷ đồng để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; và gần 37 tỷ đồng để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến cuối tháng 11/2024, toàn huyện đã giải ngân chung được gần 340 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ hơn 43% tổng vốn được phân bổ.
Từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, Đắk Glong đã triển khai xây dựng nhiều công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là đường giao thông, kênh mương thủy lợi, trường học, trụ sở làm việc của UBND cấp xã, nhà văn hóa xã... Huyện cũng triển khai nhiều dự án sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề nghiệp; Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị...
Theo đại diện UBND huyện Đắk Glong, công tác lập, thẩm định và phê duyệt các dự án, tiểu dự án đã bám sát các văn bản, chế độ quy định, đảm bảo cho các dự án đầu tư thi công đạt chất lượng và hiệu quả. Cơ cấu đầu tư tiếp tục được ưu tiên cho mục tiêu xoá đói giảm nghèo, đào tạo nghề ở các khu vực của huyện. Các công trình, dự án trong kế hoạch được phân bổ vốn cơ bản đã thực hiện đúng nội dung, mục đích, công tác kiểm tra, giám sát thực hiện dự án được tăng cường. Qua đó đã nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội và hướng tới mục tiêu đưa Đắk Glong thoát khỏi danh sách huyện nghèo của cả nước.
Kiến nghị sớm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc
Sau hơn 3 năm triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, Đắk Glong hiện vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc khiến nhiều dự án có tỷ lệ giải ngân đạt thấp, dẫn tới tỷ lệ giải ngân chung của toàn huyện không đạt kế hoạch đề ra.
Điển hình là một số dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, như: dự án bố trí dân cư vùng đặc biệt khó khăn xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong (do vướng quy hoạch bô xít); dự án ổn định dân cư cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn xã Quảng Hòa, huyện Đắk Glong (vướng điều chỉnh hướng, tuyến, quy mô, kết cấu...); Tiểu dự án phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân (vướng quy định Luật Lâm nghiệp và chậm trễ trong công tác giao rừng)...
Theo UBND huyện Đắk Glong, hiện một số địa phương thực hiện công tác quán triệt, tuyên truyền về các chương trình mục tiêu quốc gia còn chưa kịp thời, hiệu quả còn hạn chế; Công tác hoàn thiện đồ án quy hoạch chung của các xã vẫn còn chậm; chất lượng lập quy hoạch chung chậm, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn toàn huyện; Nhiều người dân trên địa bàn các xã là người dân tộc thiểu số vẫn còn trông chờ ỷ lại vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước...
Thêm vào đó, địa bàn huyện Đắk Glong và các xã đều rộng; địa hình nhiều đồi núi bát úp; dân cư sống, sản xuất rải rác ở nhiều khu vực nên việc đầu tư cơ sở hạ tầng tốn kém, dàn trải; Việc bố trí cán bộ phụ trách công tác xây dựng nông thôn mới ở các cấp còn phải kiêm nhiệm nhiều việc, trình độ năng lực cán bộ ở một số địa phương còn hạn chế; Thêm nữa, nguồn ngân sách địa phương rất hạn hẹp nên huyện gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí nguồn vốn đối ứng của địa phương trong quá trình triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia.
Đáng chú ý hơn, theo Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ, về việc phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050, phần lớn diện tích tại các xã Quảng Sơn, Đắk Ha, và một phần diện tích xã Quảng Khê, Đắk R’Măng, xã Đắk Som nằm trong ranh quy hoạch bô xít, dẫn tới hàng loạt dự án đầu tư, nâng cấp, cải tạo cơ sở hạ tầng phải tạm ngưng triển khai.
Thêm nữa, việc triển khai các công trình xây dựng chậm trễ do việc xác định mỏ đất, bãi thải vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Hiện nay các xã có các mỏ đất đã đưa vào quy hoạch nhưng chưa thực hiện thu hồi và cấp phép nên chưa đủ căn cứ pháp lý để lập hồ sơ và triển khai các bước tiếp theo.
Trước tình hình này, để nâng cao hiệu quả quá trình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Huyện ủy, UBND huyện Đắk Glong yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải có kế hoạch chỉ đạo, thực hiện cụ thể, chủ động, sáng tạo, nhất là phải phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Huyện chỉ đạo lấy kết quả thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia là một trong các tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc và đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Huyện cũng chỉ đạo tăng cường thu ngân sách, đặc biệt nguồn thu từ tiền sử dụng đất để bố trí đủ vốn đối ứng thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; Tăng cường công tác quản lý xây dựng cơ bản, đảm bảo các công trình đầu tư phải hoàn thiện, đảm bảo quản lý và sử dụng có hiệu quả các dự án công trình sau đầu tư…
Bên cạnh đó, huyện Đắk Glong cũng đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông xem xét, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét tháo gỡ vướng mắc các dự án đầu tư nằm trong vùng quy hoạch bô xít cũng như các dự án vướng mắc quy hoạch ba loại rừng. Đề nghị các ngành chức năng tỉnh Đắk Nông kiến nghị Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành trung ương cho phép kéo dài thời gian thực hiện giải ngân đến hết năm 2025 đối với vốn ngân sách nhà nước của các chương trình mục tiêu quốc gia chưa giải ngân hết trong năm 2024 và cả trong các năm 2022, 2023 chuyển sang chưa giải ngân hết./.
Đắk Glong đặt mục tiêu thoát khỏi tình trạng huyện nghèo
Với việc thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia, huyện Đắk Glong phấn đấu đến năm 2025, huyện đạt các tiêu chí thoát khỏi tình trạng huyện nghèo, đặc biệt khó khăn; phấn đấu 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo thiếu hụt về tiêu chí thu nhập được hỗ trợ và tạo điều kiện vay vốn phát triển sản xuất, đào tạo nghề, tạo việc làm ổn định để tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững. Huyện cũng đặt mục tiêu đến năm 2025 không còn người có công với cách mạng thuộc đối tượng hộ nghèo. Bên cạnh đó, Đắk Glong đặt mục tiêu đến năm 2025, huyện có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới và không có xã nào đạt dưới 15 tiêu chí; Giai đoạn 2021 – 2025, tỷ lệ hộ nghèo chung của toàn huyện giảm bình quân từ 5-7%/năm, trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân từ 6 - 7%/năm trở lên và tỷ lệ hộ nghèo ở các xã nghèo giảm từ 8-10%/năm trở lên./.