Chồng chất khó khăn trong quản lý, bảo vệ rừng tại Đắk Glong (Đắk Nông)

Đắk Glong là huyện có diện tích rừng lớn và mật độ che phủ rừng cao hơn mức bình quân của toàn tỉnh Đắk Nông. Việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương hiện đang đối đầu với nhiều thách thức, khó khăn, trong bối cảnh giá cả nhiều loại nông sản tăng cao và nhiều năm liền Đắk Glong vẫn là điểm đến lý tưởng của dân di cư không theo quy hoạch từ các tỉnh biên giới phía Bắc.

Chú thích ảnh
Nhiều khu vực dân cư đã sinh sống ổn định hàng chục năm trên địa bàn huyện Đắk Glong vẫn nằm trong quy hoạch ba loại rừng.

 Một cán bộ kiểm lâm quản lý hơn 1.100ha rừng

Quảng Sơn là xã có diện tích tự nhiên và diện tích rừng, đất lâm nghiệp lớn nhất cả huyện Đắk Glong. Hiện toàn xã có hơn 35.000ha rừng, đất rừng, trong đó có gần 28.000ha rừng tự nhiên, rừng trồng. Tỷ lệ che phủ rừng của xã Quảng Sơn hiện ở mức hơn 61%.

Theo đại diện UBND xã Quảng Sơn, bên cạnh các diện tích rừng được giao cho các đơn vị chủ rừng trực thuộc UBND tỉnh Đắk Nông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị quân đội và doanh nghiệp tư nhân, UBND xã cũng được giao quản lý hơn 4.300ha rừng, đất lâm nghiệp. Đây phần lớn là các diện tích đất thu hồi từ các Công ty lâm nghiệp, các ban quản lý rừng, các doanh nghiệp được giao thực hiện dự án nông lâm kết hợp.

Phần lớn diện tích này là đất không còn rừng, đã bị lấn, chiếm để trồng các loại cây nông nghiệp và sử dụng vào mục đích khác. Trong tổng số hơn 4.300ha này, có hơn 1.100ha rừng tự nhiên và rừng trồng, còn lại là đất lâm nghiệp nhưng phần lớn được trồng cây công nghiệp, nông nghiệp.

Chú thích ảnh
Nhiều diện tích đã làm nhà cửa, đất đai đã trồng các loại cây công nghiệp, nông nghiệp trên địa bàn huyện Đắk Glong vẫn nằm trong quy hoạch ba loại rừng.

Việc quản lý, bảo vệ rừng và ngăn chặn các hành vi phá rừng, lấn chiếm đất rừng trên địa bàn xã Quảng Sơn do Ban Lâm nghiệp xã xử lý. Đây là lực lượng bao gồm lãnh đạo UBND xã, cán bộ kiểm lâm, địa chính, cán bộ công an, dân quân… Trong đó, lực lượng chuyên trách là kiểm lâm. Toàn xã Quảng Sơn hiện có 4 cán bộ kiểm lâm, trong đó, 3 cán bộ được giao phụ trách công tác quản lý Nhà nước đối với diện tích rừng đang được giao cho các Công ty lâm nghiệp, các ban quản lý, doanh nghiệp tư nhân. Còn diện tích hơn 1.100ha rừng được Nhà nước giao cho xã trực tiếp quản lý thì được giao cho 1 cán bộ kiểm lâm phụ trách công tác quản lý, bảo vệ.

“Việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng với diện tích lớn, địa hình đồi dốc, điều kiện đi lại khó khăn. Thêm nữa là dân di cư không theo quy hoạch vẫn đều đặn đến địa phương và tình trạng nhiều loại mặt hàng nông sản chủ lực tăng giá mạnh khiến địa phương chịu rất nhiều áp lực”, một lãnh đạo UBND xã Quảng Sơn chia sẻ.

Tại xã Đắk R’măng cùng huyện, việc quản lý nhiều diện tích quy hoạch là rừng phòng hộ đang được giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk R’măng (trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông) quản lý cũng gặp rất nhiều khó khăn. Theo đại diện UBND xã Đắk R’măng, trong vùng lõi đất rừng phòng hộ của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk R’măng hiện có 5 cụm dân cư là đồng bào các dân tộc thiểu số di cư từ các tỉnh biên giới phía Bắc. Hiện có khoảng 330 hộ với gần 2.000 nhân khẩu đang cư trú, sinh sống và canh tác trên đất rừng. Trong số này, có nhiều hộ dân đã sinh sống, định cư tại đây từ năm 2000, tức trước thời điểm tái lập tỉnh Đắk Nông (vào năm 2004).

Theo đại diện UBND xã Đắk R’măng, diện tích tự nhiên của toàn xã gần 23.000ha, nhưng đã có gần 19.000ha rừng và đất lâm nghiệp. Ngoài các diện tích được giao cho các công ty lâm nghiệp, các ban quản lý, doanh nghiệp tư nhân quản lý, UBND xã Đắk R’măng được giao hơn 7.200ha rừng, đất rừng. Trong đó, chỉ có hơn 1.300ha rừng, còn lại là đất chưa có rừng (đa số đã bị lấn, chiếm để trồng các loại cây công nghiệp, nông nghiệp, hoặc sử dụng vào mục đích khác).

Hiện, việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại Đắk R’măng tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Nổi bật là diện tích rừng lớn nhưng phân bố manh mún, tiếp giáp với đất sản xuất của người dân. Điều kiện địa hình phức tạp, đồi dốc, giao thông đi lại khó khăn. Cán bộ Ban lâm nghiệp xã hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm, chưa được đào tạo chuyên sâu về chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng. Lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ rừng của các đơn vị chủ rừng còn thiếu và yếu về chuyên môn nghiệp vụ. Các đơn vị chủ rừng trên địa bàn xã đều rơi vào tình trạng khó khăn về nguồn nhân lực, vật lực, chính sách đãi ngộ thấp, công việc khó khăn vất vả nên các đơn vị đều gặp nhiều khó khăn trong công tác huy động, tuyển dụng lao động làm nhiệm vụ bảo vệ rừng. Trong khi đó, việc quản lý dân di cư và quy hoạch ổn định dân cư còn gặp nhiều khó khăn, nhiều cụm dân cư sống ngay ở trong rừng trên địa bàn xã gây ra nhiều hệ lụy, khó khăn trong công tác bảo vệ rừng.

Chú thích ảnh
 Đất nông nghiệp của người dân nằm tiếp giáp với rừng tự nhiên là tình trạng khá phổ biến tại Đắk Glong.

68% diện tích là rừng và đất quy hoạch cho phát triển rừng

Huyện Đắk Glong nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Đắk Nông, có diện tích tự nhiên hơn 144.800 ha. Huyện giáp với các huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk) ở phía Đông Bắc, các huyện Đam Rông, Lâm Hà, Di Linh và Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng) ở phía Đông và phía Nam, các huyện Đắk R'lấp, Đắk Song, Krông Nô và thành phố Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) ở phía Tây và phía Bắc.

Trong số hơn 144.800ha diện tích tự nhiên, tổng diện tích rừng và quy hoạch phát triển rừng của Đắk Glong gần 99.600ha (chiếm hơn 68%). Trên thực tế, chính việc sở hữu diện tích rừng lớn cộng với tình trạng dân cư sinh sống rải rác trên đất lâm nghiệp và liền kề với rừng tự nhiên nên huyện Đắk Glong đang gặp bộn bề khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Cụ thể, tổng diện tích rừng Đắk Glong hiện có là hơn 64.500ha. Trong đó, rừng sản xuất hơn 31.000ha, rừng phòng hộ gần 12.000ha, rừng đặc dụng gần 20.000ha, diện tích rừng nằm ngoài quy hoạch hơn 1.700ha. Tỷ lệ che phủ rừng hiện tại của Đắk Glong đạt 43,92%, cao hơn bình quân của toàn tỉnh Đắk Nông (39,07%). Đáng chú ý hơn, tổng diện tích chưa thành rừng và quy hoạch đất lâm nghiệp của toàn huyện hơn 37.000ha. Trong đó, có nhiều diện tích dân cư đã sinh sống, canh tác hàng chục năm.

Về các đơn vị chủ rừng, trên địa bàn huyện Đắk Glong có các chủ rừng là các đơn vị Nhà nước trực thuộc UBND tỉnh Đắk Nông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Nông. Điển hình như Vườn Quốc gia Tà Đùng, Khu Bảo tồn thiên nhiên Nam Nung, Ban Quản lý rừng phòng hộ Gia Nghĩa, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đắk R’măng, Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Một thành viên (MTV) Đắk N’Tao, và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quảng Sơn. Bên cạnh đó, 2 đơn vị vũ trang được giao rừng là Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Nông và Trại giam Đắk Plao (thuộc Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Bộ Công an). 

Chú thích ảnh
Rừng bị phá, lấn chiếm để trồng các loại cây nông nghiệp, công nghiệp.

Ngoài ra, huyện Đắk Glong có 11 doanh nghiệp tư nhân đang thực hiện dự án thuê đất, quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, bao gồm: Công ty Cổ phần Nông lâm nghiệp Trường Thành, Công ty TNHH Biển Xanh, Doanh nghiệp tư nhân cây kiểng Đức Minh, Công ty TNHH Hào Quang, Công ty Cổ phần Tân Mai, Công ty TNHH Khải Vy, Công ty MDF Bi Son, Công ty Cổ phần Thiên Sơn, Công ty Cà phê 15, Trạm thực nghiệm lâm sinh Lâm Đồng, và Công ty CP Đỉnh Nghệ. Đáng chú ý, phần lớn các dự án rừng, đất rừng được giao cho các doanh nghiệp tư nhân để thực hiện các dự án nông lâm kết hợp đều là điểm nóng về tình trạng phá rừng, lấn chiếm, mua bán, sang nhượng trái phép, và xây dựng nhà ở trên đất rừng thời gian qua. 

Bên cạnh diện tích rừng được giao cho các nhóm chủ rừng nêu trên, công tác quản lý, bảo vệ rừng và đất quy hoạch cho phát triển rừng trên địa bàn huyện Đắk Glong còn gặp nhiều khó khăn do huyện có hàng nghìn hecta nghèo và đất lâm nghiệp được giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý. Đây đều là những diện tích rừng, đất rừng phân bố rải rác, nhỏ lẻ, manh mún, nhiều diện tích nằm xen kẽ với nương rẫy người dân, nhiều diện tích bị xâm canh để sản xuất nông nghiệp. Địa hình phổ biến của các diện tích này phức tạp, giao thông đi lại khó khăn nên công tác quản lý, bảo vệ rừng còn nhiều hạn chế. 

Theo UBND huyện Đắk Glong, một cái khó quan trọng nữa chính là lực lượng bảo vệ rừng của các đơn vị chủ rừng yếu cả về số lượng và chất lượng, nghiệp vụ về lâm nghiệp hạn chế đặc biệt trong việc xử lý. Một số đơn vị chủ rừng chưa quan tâm đúng mức đối với công tác bảo vệ, phát triển rừng. Nhiều diện tích giao về cho địa phương quản lý sau khi giải thể, sắp xếp, đổi mới các Công ty lâm nghiệp, Ban quản lý rừng phòng hộ nhưng lực lượng tham gia bảo vệ rừng chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm (Công an xã, Dân quân xã). Mỗi xã chỉ có 1 đến 2 Kiểm lâm địa bàn làm nhiệm vụ chuyên trách do đó công tác tuần tra, kiểm tra rừng gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có nhiều xã phải quản lý hàng trăm hecta rừng. 

Thêm nữa, phần lớn diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng đã bị người dân lấn chiếm, sử dụng trồng cây nông nghiệp, việc thu hồi để phát triển rừng gặp rất nhiều khó khăn, kết quả đạt được rất thấp. Trong thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Cấp ủy, chính quyền địa phương nên công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên, vẫn chưa giải quyết dứt điểm được tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng.

Theo ông Trịnh Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong, toàn huyện có 7 đơn vị hành chính cấp xã đều thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Đắk Glong hiện có có hơn 83.300 nhân khẩu và tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 53%, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 13,4%. Lâm phần quản lý của các đơn vị chủ rừng tại Đắk Glong khá rộng và nằm gần với diện tích đất canh tác của người dân. Tình trạng di cư tự do không theo quy hoạch từ nơi khác đến gần khu vực đơn vị quản lý còn nhiều. Nhu cầu về đất sản xuất tăng cao đã gây áp lực ngày càng lớn lên rừng và đất rừng của nhiều đơn vị./.

Kiến nghị không đưa hơn 6.000ha vào quy hoạch ba loại rừng
Tại báo cáo kết quả rà soát diện tích đất đưa ra ngoài quy hoạch đất lâm nghiệp để hoàn thiện quy hoạch tỉnh Đắk Nông trên địa bàn huyện Đắk Glong được ban hành vào tháng 6/2023, UBND huyện Đắk Glong đã đề nghị các ngành chức năng tỉnh Đắk Nông không đưa vào quy hoạch đất lâm nghiệp giai đoạn 2021 – 2030 đối với diện tích đất do địa phương quản lý. Tổng diện tích này hơn 6.000ha. Cụ thể, xã Đắk Ha hơn 82ha; xã Đắk Plao gần 2.700ha; xã Đắk R’măng hơn 1.800ha; Đắk Som gần 600ha; Quảng Khê gần 700ha; và Quảng Sơn gần 125ha. Đây đều là đất người dân đã canh tác ổn định lâu năm, không phù hợp phát triển lâm nghiệp.
Hưng Thịnh
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN