Sớm hoàn thành tiêm vaccine phòng dại để ngăn phát sinh ổ dịch

Ngày 19/3, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ninh, ông Vũ Duy Văn cho biết, tính đến hết ngày 18/3, tỉnh đã tiêm vaccine phòng bệnh dại trên vật nuôi chó, mèo được 40.177 con (đạt 38% tổng đàn).

Chú thích ảnh
Cán bộ Thú y xã Dực Yên, huyện Đầm Hà, tiêm vaccine phòng dại cho đàn chó trên địa bàn. Ảnh tư liệu: baoquangninh.vn

Các địa phương trong tỉnh đang gấp rút triển khai tiêm vaccine phòng bệnh dại trên vật nuôi, phấn đấu xong trước ngày 30/3, đạt trên 80% tổng đàn để đảm bảo yêu cầu về phòng chống dịch. Đặc biệt, các địa phương Đầm Hà, Hạ Long, Bình Liêu, Ba Chẽ, Hải Hà, Uông Bí phấn đấu tiêm phòng dịch đạt 100% tổng đàn.

Từ ngày 11/01 đến ngày 15/3, tỉnh đã phát sinh 5 ổ dịch bệnh dại tại 5 xã, thị trấn/3 huyện, thành phố (Đầm Hà, Hạ Long, Bình Liêu); 27 người bị phơi nhiễm; đã xử lý tiêu hủy 22 con chó bị bệnh, nghi bệnh.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên nhân phát sinh dịch bệnh dại là do nhận thức của các chủ nuôi về các quy định bắt buộc trong phòng, chống bệnh dại, ý thức trách nhiệm với cộng đồng và các biện pháp xử lý khi bị chó, mèo cắn của người dân chưa thực sự đầy đủ, còn chủ quan với bệnh dại.

Việc kê khai, khai báo, rà soát thống kê đàn chó, mèo nuôi chưa đầy đủ, do vậy tỷ lệ tiêm phòng vắc xin dại các năm đều đạt trên 80% kế hoạch giao nhưng trên thực tế còn nhiều chó, mèo nuôi mới chưa tiêm phòng vaccine. Thói quen, tập quán của người dân trong việc nuôi chó (nhất là các xã miền núi), việc chó thả rông, khó bắt giữ được để tiêm phòng vaccine dại gây khó khăn cho công tác tiêm phòng.

Thêm vào đó, việc xử lý chủ nuôi không chấp hành các quy định theo Luật Thú y và Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm chưa đạt được hiệu quả răn đe, mới chỉ tuyên truyền vận động, thuyết phục chủ nuôi chấp hành các quy định.

Ngay từ khi xuất hiện ổ dịch bệnh dại, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã tham mưu báo cáo UBND Tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo, kế hoạch phòng chống dịch bệnh; trong đó, có bệnh dại; tổ chức kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, phối hợp với địa phương (đã làm việc với Đầm Hà, Hạ Long, Bình Liêu, Cô Tô, Móng Cái, Ba Chẽ) chỉ đạo thực hiện phòng, chống dịch; phân công 7 đồng chí cán bộ kỹ thuật thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y theo dõi phụ trách địa bàn các huyện, thị xã, thành phố để nắm bắt tình hình và hỗ trợ các địa phương.

Các địa phương đã khẩn trương tổ chức thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định; 13/13 địa phương ban hành các văn bản triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh dại động vật.

Điển hình các địa phương Đầm Hà, Hạ Long, Bình Liêu đã ban hành quyết định công bố ổ dịch dại; tổ chức tiêu hủy đàn chó của hộ có dịch và các chó, mèo có tiếp xúc gần với chó bị bệnh; phun tiêu độc khử trùng; cắm biển cảnh báo, lập chốt ổ dịch theo quy định; thành lập hàng chục tổ cơ động tổ chức bắt giữ chó thả rông, không đeo rọ mõm, không tiêm phòng…

Văn Đức (TTXVN)
Siết chặt quản lý phòng, chống bệnh dại ở động vật
Siết chặt quản lý phòng, chống bệnh dại ở động vật

Để kiểm soát hiệu quả ổ dịch bệnh dại trên động vật đang xảy ra, phòng ngừa các ổ dịch mới phát sinh và lây lan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Minh Cảnh vừa ký công văn yêu cầu UBND các huyện, thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Y tế chỉ đạo các cơ quan và đơn vị liên quan tổ chức thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN