Theo đó, UBND tỉnh Bến Tre đề nghị các huyện, thành phố tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh dại động vật trên địa bàn quản lý. Đặc biệt là các địa phương cấp xã có tỷ lệ tiêm phòng thấp theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 810/UBND-KT ngày 7/2/2024 về việc chấn chỉnh công tác phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh
UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND cấp xã tăng cường quản lý chó, mèo; thống kê chính xác số hộ nuôi và tổng đàn chó, mèo; chỉ đạo xử lý triệt để tình trạng chó thả rông trên từng địa bàn cấp xã; hướng dẫn, yêu cầu chủ hộ cam kết thực hiện khai báo và nuôi nhốt chó, mèo; bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không để ảnh hưởng tới những người xung quanh.
Các địa phương thường xuyên rà soát, tổ chức tiêm phòng vaccine dại cho đàn chó, mèo trên địa bàn, bảo đảm tỷ lệ đạt trên 80% tổng đàn trong năm 2024 theo Kế hoạch số 7657/KH-UBND và các năm tiếp theo để hoàn thành mục tiêu của Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại, giai đoạn 2022 - 2030. Mặt khác, xử lý nghiêm theo quy định các trường hợp không chấp hành việc tiêm phòng vaccine dại cho chó, mèo nuôi.
Đối với địa phương đang có ổ dịch bệnh dại, cần tăng cường đẩy nhanh tiến độ thực hiện các giải pháp xử lý ổ dịch theo quy định, không để kéo dài. Đồng thời, tăng cường truyền thông về mức độ nguy hiểm và các biện pháp phòng, chống bệnh dại, cũng như các quy định của pháp luật liên quan đến phòng, chống bệnh dại động vật trên các phương tiện thông tin đại chúng.
UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo hệ thống thú y các cấp tăng cường phối hợp với cơ quan y tế cùng cấp thực hiện giám sát bệnh dại, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh dại, chia sẻ thông tin và phối hợp điều tra, xử lý ổ dịch.
Sở Y tế tăng cường truyền thông về mức độ nguy hiểm và các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên người trong cộng đồng dân cư, trường học và các đối tượng có nguy cơ cao đối với bệnh dại; triển khai các hoạt động giám sát, phát hiện sớm trường hợp bị chó, mèo cào, cắn để hướng dẫn người dân điều trị hiệu quả, hạn chế tối đa trường hợp người tử vong do bệnh dại. Qua đó, tiến tới hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 không có người tử vong vì bệnh dại.
Theo UBND tỉnh Bến Tre, năm 2023, tỉnh có 12 ổ dịch bệnh dại động vật được phát hiện và công bố dịch, 5 trường hợp người tử vong vì bệnh dại. Từ đầu năm 2024 đến nay, địa phương có 2 ổ dịch bệnh dại động vật (phường 7, thành Phố Bến Tre và xã An Hiệp, huyện Châu Thành) và 1 trường hợp người tử vong vì bệnh dại. Một số nguyên nhân chủ yếu của dịch bệnh dại vẫn tiếp tục xuất hiện là do hầu hết các địa phương chưa quản lý được đàn chó, mèo; virus dại đã lưu hành trên toàn tỉnh; việc rà soát, thống kê chó, mèo phát sinh; chó, mèo đã được tiêm phòng nhưng đã hết thời gian bảo hộ miễn dịch chưa được thực hiện đúng, kịp thời…
Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bến Tre Trần Quang Thái cho biết, hiện toàn tỉnh có 127.693 hộ nuôi chó, mèo, với tổng đàn hơn 194.333 con, tỷ lệ tiêm phòng đạt 81,57% so với tổng đàn. Thời gian tới, Chi cục Chăn nuôi và Thú y sẽ phối hợp với chính quyền địa phương cơ sở tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh xúc tiến xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh dại ở cấp xã, phường hoặc huyện và trên địa bàn toàn tỉnh từ đây đến năm 2030.