Đoạn sạt lở dài trên 32 m, ăn sâu vào bờ gần 4 m. Quan sát tại hiện trường, phần bị sạt lún sâu xuống hơn 1,5 m so với mặt đường còn lại. Bờ kè bê tông do người dân xây dựng cùng nhiều cây cối cũng bị chìm xuống sông.
Bà Nguyễn Thị Nga, một trong ba hộ dân sống gần khu vực nói trên cho biết, vụ sạt lở xảy ra vào khoảng 5 giờ 20 phút ngày 9/7. Mấy ngày trước, bà Nga phát hiện những vết nứt lớn trên con đường trước nhà nên đã thông báo cho chính quyền địa phương.
“Đoạn đường này hàng ngày có nhiều xe tải chở vật liệu, trái cây qua lại. Khi thấy đường bị nứt, tôi liền báo cho trưởng ấp, đề nghị cảnh báo, hạn chế bớt xe tải lại, nhưng nó đã sụp luôn”, bà Nga nói.
Ông Trương Văn Đầy, Bí thư kiêm Trưởng ấp Nhơn Lộc 1A cho biết, tuyến đường bị sạt lở là đường liên ấp được tráng nhựa dài khoảng 1,7 km, từ khu di tích mộ nhà thơ Phan Văn Trị đến vàm Ba Cui. Vị trí xảy ra sạt lở cách mộ cụ Phan Văn Trị khoảng 200 m. Trên đoạn đường này trước đó cũng xuất hiện một điểm có nguy cơ sạt lở dài trên 40 m, đã được căng dây cảnh báo nguy hiểm.
Sau khi nhận được tin báo, lãnh đạo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ cùng chính quyền địa phương đã xuống hiện trường kiểm tra, nắm tình hình. Cơ quan chức năng đã lắp biển cảnh báo, không cho xe ô tô lưu thông qua đoạn đường này.
Thông tin với phóng viên TTXVN tại hiện trường, ông Nguyễn Quí Ninh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ cho biết sẽ báo cáo lại với lãnh đạo UBND thành phố để xin ý kiến chỉ đạo về phương án khắc phục điểm sạt lở này.
Từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn thành phố Cần Thơ đã xảy ra 22 điểm sạt lở, làm 5 căn nhà bị sụp hoàn toàn, 68 căn sụp một phần và bị ảnh hưởng. Tổng chiều dài sạt lở là 1.230 m, gây thiệt hại tài sản hơn 14 tỷ đồng.