Hà Nội khẩn trương khắc phục sự cố sạt lở bờ sông

UBND thành phố Hà Nội vừa công bố tình trạng khẩn cấp các sự cố sạt lở bờ sông, tuyến đê sông Đáy, sông Bùi, sông Đà, đoạn thuộc địa phận các huyện Ba Vì, Quốc Oai và Chương Mỹ; đồng thời, yêu cầu cơ quan, địa phương liên quan khẩn trương triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân, khắc phục sự cố.

Chú thích ảnh
Sạt lở vào gần đến nhà một số hộ dân tại xã Hòa Chính nằm sát bờ sông Đáy. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, do ảnh hưởng của các trận mưa lớn trong năm 2018 và 2019 nên bờ sông Đáy, đoạn thuộc địa bàn xã Văn Võ (huyện Chương Mỹ) đã xuất hiện 2 vị trí sạt lở. Ngay sau khi phát hiện, huyện Chương Mỹ đã xử lý sự cố. Tuy nhiên, thời gian gần đây, 2 vị trí này ngày càng sạt lở nghiêm trọng, gây sụt lún công trình, trực tiếp đe dọa an toàn tính mạng và tài sản của 50 hộ dân ở thôn Cấp Tiến và 16 hộ dân ở thôn 6-8. 

Tương tự, sự cố sạt lở trên bờ hữu sông Đáy, đoạn thuộc địa bàn xã Hòa Chính (huyện Chương Mỹ) đã làm sụt lún nhiều bụi tre, vật kiến trúc của 18 hộ dân, nứt nghiêng 125m kè bờ sông... Còn trên bờ hữu sông Đà, sự cố sạt lở đang mở rộng, gây sụt lún đất ở, công trình của 15 hộ dân ở thôn Phú Nhiêu (xã Thái Hòa, huyện Ba Vì).

Theo thống kê của UBND các quận, huyện, thị xã của Hà Nội, có khoảng 156.456 hộ sinh sống ở khu vực bãi sông ngoài đê với khoảng 632.393 nhân khẩu; trong đó, có 9 khu dân cư với 2.204 hộ nằm trong khu vực nguy hiểm trên hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình cần di chuyển. Số hộ cần ổn định tại chỗ là 25.062 hộ. Số hộ cần phải di dời do ô nhiễm môi trường là 351 hộ. Số hộ có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thiên tai nhưng chưa phải di dời, ổn định tại chỗ là 17.157 hộ.

Đoạn sông Nhuệ chảy qua thôn Dưỡng Hiền, xã Hòa Bình, huyện Thường Tín đang bị sạt lở cần được xử lý để ổn định cuộc sống của 320 hộ sống xung quanh khu vực này. Tương tự, bờ tả sông Nhuệ đoạn qua thôn Cao Xá, xã Dũng Tiến cũng bị sạt lở cần xử lý để ổn định tại chỗ cho 2.700 hộ dân; chống sạt lở bờ kè Xâm Thị bờ hữu sông Hồng, đoạn qua địa bàn xã Ninh Sở để ổn định tại chỗ cho 750 hộ dân.

Huyện Ba Vì đề xuất xử lý cấp bách chống sạt lở kè Cổ Đô tương ứng từ K5+000 đến K5+800 đê hữu Hồng. Huyện Mỹ Đức đề xuất kè sông Đáy, xã Vạn Kim đoạn qua thôn thôn Kim Bôi dài kè 980m; kè sông Bùi xã Phúc Lâm đoạn qua thôn Phúc Lâm dài 900m.

Để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và an toàn các tuyến đê khi mùa mưa bão đã tới, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các xã và các huyện nêu trên khẩn trương cắm biển cảnh báo, ngăn không cho người dân vào khu vực xảy ra sự cố sạt lở; chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện sẵn sàng sơ tán người và tài sản của các hộ dân sinh sống trong khu vực ảnh hưởng đến nơi an toàn khi sự cố xảy ra đột biến.

UBND thành phố cũng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội làm chủ đầu tư thực hiện dự án xử lý khẩn cấp chống sạt lở các sự cố nêu trên. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính thống nhất tham mưu UBND thành phố cân đối nguồn vốn để thực hiện các dự án này.

Nam Giang (TTXVN)
70 tỷ đồng xử lý khẩn cấp sạt lở bờ sông Hậu đoạn qua xã An Thạnh Trung (An Giang)
70 tỷ đồng xử lý khẩn cấp sạt lở bờ sông Hậu đoạn qua xã An Thạnh Trung (An Giang)

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết: UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xử lý khẩn cấp sạt lở bờ sông Hậu, đoạn qua xã An Thạnh Trung, huyện Chợ Mới. Dự án do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh An Giang quản lý làm chủ đầu tư.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN