Kè chống sạt lở, xâm nhập mặn, ứng phó biến đổi khí hậu khu vực rạch Cái Sơn có tổng chiều dài trên 2,8 km, từ cầu Cái Sơn 1 (đường tỉnh 923, phường An Bình, quận Ninh Kiều) đến cầu Sáu Bé (phường Long Tuyền, quận Bình Thủy).
Công trình xây dựng kiên cố, với đỉnh kè cao 2,8 m, có hệ thống lan can, thu gom và thoát nước thải, chiếu sáng công cộng, vỉa hè, đường giao thông rộng rãi…nhằm ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng phức tạp.
Dự án có tổng kinh phí xây dựng trên 288 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách Trung ương thuộc chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020 và vốn đối ứng của Cần Thơ. Công trình được chia làm 3 gói thầu và được khởi công xây dựng vào tháng 12/2019, dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 12/2020.
Dù được thi công đảm bảo chất lượng và yêu cầu thiết kế nhưng theo Chi cục Thủy lợi thành phố Cần Thơ, tiến độ thực hiện của các giai đoạn vẫn còn chậm so với kế hoạch; trong đó, gói thầu 1 mới chỉ đạt hơn 6%, gói thầu 2 đạt gần 31% và gói thầu 3 đạt gần 26% sau hơn 3 tháng triển khai thực thiện.
Đối với gói thầu 1, từ cầu Cái Sơn 1 đến cầu Rạch Bần với chiều dài 785 m, đang gặp rất nhiều khó khăn do chưa giải phóng được mặt bằng.
Trao đổi với phóng viên tại buổi kiểm tra thi công dự án ngày 24/3, ông Nguyễn Quí Ninh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ), đại diện chủ đầu tư cho biết, đơn vị sẽ tăng cường giám sát, đôn đốc, tạo mọi điều kiện thuận lợi để dự án xây dựng hoàn thành đúng tiến độ đề ra. Từ sau Tết, chủ đầu tư đã tập trung các nhà thầu cùng phương tiện, nhân lực triển khai thi công các hạng mục quan trọng trong thời điểm mùa khô năm 2020.
Theo ông Ninh, do thời gian dự kiến hoàn thành công trình không còn nhiều nên Chi cục Thủy lợi thường xuyên họp với các đơn vị hàng tuần để đối chiếu với kế hoạch đã đề ra; trong đó, thời điểm này sẽ tập trung thi công các hạng mục phụ thuộc vào thủy triều, thời tiết để tới thời điểm thời tiết không thuận lợi thì vẫn có thể thi công tiếp các hạng mục khác.
Nằm trong chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh của thành phố Cần Thơ, tuyến kè rạch Cái Sơn khi hoàn thành sẽ giúp chống sạt lở, bảo vệ ổn định bờ sông cùng với đất đai, nhà cửa của các hộ dân sinh sống dọc theo tuyến này.
Song song đó, bờ kè cũng góp phần chỉnh trang đô thị, tạo bộ mặt khang trang cho địa bàn của hai quận Ninh Kiều và Bình Thủy.
Rạch Cái Sơn là một trong những điểm nóng sạt lở trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Nhiều người dân ở dọc theo con rạch này cho biết, gần đây tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng sinh hoạt, đi lại của người dân. Đoạn đường bê tông từ cầu Cái Sơn 1 (đường tỉnh 923) đến cầu Cái Sơn 2 (đường Nguyễn Văn Cừ) chỉ hơn 1 km nhưng đã có trên 500 m bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao.
Chị Trần Thị Hoa, ở khu vực 6, phường An Bình, quận Ninh Kiều cho biết, tình hình sạt lở bờ sông tại khu vực này đã trở nên trầm trọng trong những năm gần đây. Vào mùa mưa hay lúc triều cường, việc đi lại của bà con gặp nhiều khó khăn. Khi tuyến kè rạch Cái Sơn được khởi công xây dựng vào cuối năm 2019, người dân rất vui mừng và thống nhất giải phóng mặt bằng để công trình thi công thuận lợi.
Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ yêu cầu chủ đầu tư, UBND quận Ninh Kiều, quận Bình Thủy tăng cường phối hợp, hỗ trợ giải phóng mặt bằng tại công trình; đồng thời, xem xét bồi thường, hỗ trợ di dời và xét tái định cư thỏa đáng, đúng quy định cho các hộ dân bị ảnh hưởng; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thành dự án theo đúng kế hoạch đề ra.
Từ đầu năm 2020, tại Cần Thơ đã xảy ra 7 điểm sạt lở ở các quận, huyện Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy, Phong Điền, Vĩnh Thạnh. Dự báo, từ nay cho đến mùa mưa sẽ còn tiếp tục diễn ra. Năm ngoái, địa phương này đã xảy ra 25 vụ sạt lở bờ sông, gây thiệt hại trên 14 tỷ đồng.