TP Hồ Chí Minh ứng phó sạt lở bờ sông, kênh rạch

Thành phố Hồ Chí Minh đang bước vào thời kỳ thường xảy ra hiện tượng sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch, bờ biển (bắt đầu từ tháng 4 đến tháng 9 hằng năm). Đây là các tháng có mực nước triều rút thấp nhất trong năm.

Trước tình hình đó, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai các giải pháp để chủ động phòng, chống, ứng phó và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, ảnh hưởng do sạt lở đất bờ sông và bờ biển gây ra.

Theo đó, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố yêu cầu Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp các sở ngành, quận huyện liên quan quản lý chặt chẽ việc chấp thuận chủ trương xây dựng các bến thủy nội địa, cảng thủy nội địa; yêu cầu các chủ bến, bãi cam kết thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn bờ sông, kênh, rạch, biển, tránh gây sạt lở do việc lưu thông và neo đậu của các phương tiện vận chuyển vật liệu; kịp thời phát hiện và phối hợp xử lý, cưỡng chế tháo dỡ ngay đối với những trường hợp vi phạm, lấn chiếm trái phép hành lang bảo vệ an toàn bờ sông, kênh, rạch, bờ biển.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án kè chống sạt lở do đơn vị làm chủ đầu tư, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng để phát huy hiệu quả phòng, chống sạt lở, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân trong các khu vực bị ảnh hưởng của sạt lở.

Sở Tài nguyên và Môi trường đẩy nhanh tiến độ thẩm định, phê duyệt đơn giá bồi thường giải phóng mặt bằng của các dự án kè chống sạt lở trong thời gian ngắn nhất để các chủ đầu tư có mặt bằng phục vụ thi công hoàn thành dứt điểm các dự án kè chống sạt lở bờ sông bảo vệ an toàn khu dân cư; chủ trì, phối hợp Công an thành phố, Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân các quận - huyện tiếp tục kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác cát lòng sông trên địa bàn thành phố trái phép, không phép, nhất là các điểm nóng trên tuyến sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và ven biển huyện Cần Giờ.

Ủy ban nhân dân các Quận 2, 7,  8, 9, Thủ Đức, Bình Thạnh, huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ, huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi kiểm tra, rà soát các vị trí có nguy cơ sạt lở bờ sông, kênh, rạch trên địa bàn để phối hợp các đơn vị liên quan lập kế hoạch kiểm tra, đánh giá, phân loại mức độ sạt lở, công bố danh mục sạt lở năm 2020.

Đồng thời, Ủy ban nhân dân các quận, huyện chỉ đạo các phường, xã, thị trấn, đơn vị trực thuộc thông báo thường xuyên và liên tục các vị trí bờ sông, kênh, rạch, bờ biển có nguy cơ sạt lở để người dân biết và chủ động di dời ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi tạm cư an toàn; thường xuyên kiểm tra và tích cực vận động nhân dân, doanh nghiệp tháo dỡ công trình lấn chiếm sông, kênh, rạch, di dời vật liệu, hàng hóa trên hành lang bảo vệ bờ vào bên trong nhằm giảm tải tại các khu vực sạt lở, kiên quyết xử phạt và tổ chức cưỡng chế tháo dỡ nếu không chấp hành.

Trong năm 2019, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã xảy ra 3 vụ sạt lở tại Quận 8, huyện Nhà Bè và huyện Cần Giờ. Sạt lở không gây thiệt hại về người nhưng đã làm sụp 36m kè đá, sạt lở khoảng 336,8m² đất, gây ảnh hưởng đến 11 hộ dân.

H.Tuấn  (TTXVN)
Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ và sạt lở đất
Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ chủ động ứng phó với mưa lớn, lũ và sạt lở đất

Từ đêm 3-7/4, ở các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ nhiều khả năng xuất hiện mưa vừa, mưa to, vùng núi có nơi mưa rất to; trong cơn dông có khả năng cao xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN