Sắp xếp đơn vị hành chính ở Yên Bái - Bài 1: Tạo đồng thuận trong nhân dân

Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương về sắp xếp đơn vị hành chính, qua rà soát, giai đoạn 2023 - 2025 tại tỉnh Yên Bái có 12 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện phải sắp xếp.

Chú thích ảnh
Người dân đến Bộ phận Phục vụ hành chính công xã Việt Thành (huyện Trấn Yên) làm thủ tục hành chính. 

Trong quá trình triển khai các bước ở cơ sở cho thấy có nhiều thuận lợi, tuy nhiên cũng gặp không ít khó khăn và tỉnh đã có những cách làm, bước đi phù hợp.

Để làm rõ vấn đề trên, phóng viên TTXVN thực hiện 3 bài viết.

Bài 1: Tạo đồng thuận trong nhân dân

Tại huyện Trấn Yên, bước đầu cho thấy, chủ trương này được huyện thực hiện rất thận trọng, kỹ lưỡng, bài bản dựa trên cơ sở pháp lý và điều kiện thực tiễn của cơ sở để đảm bảo lợi ích của nhân dân, giữ được sự ổn định trong cán bộ, đảng viên, nhân dân, lại tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Những băn khoăn từ cơ sở

Theo đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của UBND tỉnh Yên Bái, xã Việt Thành (huyện Trấn Yên) thuộc khu vực miền núi, có diện tích tự nhiên 14,33 km2, quy mô dân số 3.102 người, còn xã Đào Thịnh nằm liền kề có diện tích tự nhiên 13,44 km2, quy mô dân số 3.095 người. Theo quy định, hai xã này đều thuộc diện phải sắp xếp.

Vị trí địa lý của 2 đơn vị lại liền kề, có tuyến giao thông Tỉnh lộ 163 đường Yên Bái - Khe Sang kết nối giữa 2 xã, khoảng cách từ UBND xã này đến xã kia 2 km, thuận tiện cho việc đi lại của người dân sau khi sắp xếp.

Cùng với 2 xã trên, các xã Nga Quán - Cường Thịnh; Bảo Hưng - Minh Quân của huyện Trấn Yên, sau khi sắp xếp sẽ giải quyết bất hợp lý về phân định địa giới đơn vị hành chính, tạo thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước; đáp ứng yêu cầu quản lý đối với khu vực đang trong quá trình đô thị hóa, tạo điều kiện để mở rộng không gian phát triển. Đồng thời góp phần tăng quy mô đơn vị hành chính, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh tế - xã hội, hiệu quả, hiệu lực hoạt động của hệ thống chính trị, phù hợp với quy định của Trung ương.

Theo ông Trần Nhật Tân, Bí thư Huyện ủy Trấn Yên, căn cứ vào các tiêu chí, tiêu chuẩn của đơn vị hành chính, huyện Trấn Yên có 5 đơn vị hành chính thuộc diện sắp xếp theo quy định. Cụ thể sáp nhập xã Đào Thịnh với xã Việt Thành; nhập xã Nga Quán với xã Cường Thịnh; nhập xã Bảo Hưng vào xã Minh Quân (xã Minh Quân là xã không thuộc diện phải sắp xếp nhưng có vị trí liền kề với xã Bảo Hưng). Công tác triển khai xây dựng Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 của huyện Trấn Yên được triển khai thực hiện rất thận trọng, chặt chẽ, dân chủ, khách quan dựa trên cơ sở pháp lý và điều kiện thực tiễn. Huyện đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức, sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cũng gặp một số khó khăn. Điển hình như trong việc sắp xếp đã tính đến các yếu tố khác nhau về lịch sử - truyền thống, địa lý - tự nhiên, xã hội, kinh tế, văn hóa, chính trị… nhưng vẫn có những tác động tiêu cực nhất định đến hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động sản xuất và đời sống, sinh hoạt của người dân. Trong đó, một bộ phận nhân dân các xã băn khoăn, tiếc nuối khi sáp nhập xã mà không giữ được tên xã cũ nơi gia đình mình đã sinh sống qua nhiều thế hệ. Có những trường hợp lo lắng ảnh hưởng đến việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến giấy tờ tùy thân khi chuyển tên đơn vị hành chính cũ sang đơn vị hành chính mới, vì thế có mong muốn giữ lại tên xã cũ sau khi sáp nhập.

Theo chia sẻ của Bí thư Huyện ủy Trần Nhật Tân, tại địa phương, khó khăn nhất trong quá trình sáp nhập phải kể đến hai xã Việt Thành và Đào Thịnh. Thời gian đầu, một số cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa nhận thức rõ về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính nên đã e ngại, lo lắng… Do đó trong dự thảo ban đầu, huyện khuyến khích lấy tên 1 trong 2 tên xã nhằm giảm một nửa người dân phải thay đổi, điều chỉnh các loại giấy tờ. Tuy nhiên người dân cả 2 xã đều không đồng thuận. Những vấn đề trên, phần nào đã tạo áp lực nhất định đến tiến độ và kết quả thực hiện của địa phương.

“Giải bài toán” đặt tên xã mới

Chú thích ảnh
Sau khi 2 xã Việt Thành và Đào Thịnh (huyện Trấn Yên) được sáp nhập, trụ sở xã Việt Thành sẽ được lựa chọn làm trụ sở mới mang tên Thành Thịnh. 

Trong sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, thực tiễn cho thấy, việc đặt tên xã cho một đơn vị hành chính mới sau sắp xếp là rất khó khăn, nhạy cảm. Làm sao vừa đáp ứng yêu cầu giữ gìn truyền thống lịch sử, văn hóa, vừa tạo được sự đồng thuận, ủng hộ của cử tri và đảm bảo sự đoàn kết trong nhân dân các địa phương.

Như chia sẻ của Bí thư Huyện ủy Trần Nhật Tân, “tên gọi của mỗi địa phương đều có truyền thống lịch sử, những dấu ấn gắn với mỗi người dân, thể hiện niềm tự hào đã được nhiều thế hệ người dân địa phương giữ gìn và vun đắp với địa danh đó, nên đòi hỏi phải cân nhắc thận trọng, tránh những hệ lụy không đáng có về sau”.

Do đó, ngay sau khi nắm được tâm tư, nguyện vọng phát sinh liên quan đến dự thảo Đề án, huyện Trấn Yên đã thành lập các Tổ công tác để làm việc, nắm tình hình và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của xã, của nhân dân và người có uy tín ở địa phương...

Thống nhất quan điểm không nóng vội, chủ quan, áp đặt và phải tuyệt đối tôn trọng ý kiến cử tri và nhân dân, huyện đã chỉ đạo các xã phải lấy ý kiến cộng đồng dân cư một cách dân chủ, thảo luận cởi mở. Đồng thời tham khảo ý kiến các ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan để thống nhất lấy tên chung đảm bảo hài hòa, đồng thuận cao.

Ngày 2/4/2024, các tổ công tác của huyện đã thực hiện lấy ý kiến cử tri tại xã Đào Thịnh và xã Việt Thành. Hình thức lấy ý kiến được tiến hành bằng việc phát phiếu tại hộ gia đình. Theo đó, mọi người dân đều có quyền thể hiện ý kiến của mình bằng việc tự đánh dấu và nêu ý kiến trong phiếu của mình.

Ông Nguyễn Quốc Tưởng, Bí thư Đảng ủy xã Việt Thành cho biết, sau khi được bàn bạc, lấy ý kiến công khai, dân chủ,  toàn bộ người dân trong xã đã đồng thuận với tên gọi mới sau khi sáp nhập 2 xã là “Thành Thịnh”.

"Những băn khoăn của người dân về việc sửa đổi giấy tờ cá nhân theo tên xã mới sẽ được địa phương phối hợp với các ngành chức năng tạo điều kiện thực hiện nhanh gọn, kịp thời và không thu phí của người dân", Bí thư Đảng ủy xã Việt Thành cho hay.

Về phía người dân, ông Vũ Xuân Nghiêm, 74 tuổi ở thôn 4, xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên cũng bày tỏ, ban đầu, ông cũng như nhiều người dân khác ở xã rất băn khoăn về những vấn đề sau sáp nhập như: đổi tên xã, thay đổi thủ tục giấy tờ cá nhân, thay đổi trụ sở làm việc... Tuy nhiên, sau khi được lấy ý kiến, bàn bạc dân chủ, ông và những người này cũng thống nhất bởi "tên gọi mới vẫn giữ được 1 chữ trong tên xã cũ, cũng thể hiện được sự đoàn kết".

"Vì vậy, sau khi thành lập xã mới rộng hơn, đông hơn, chúng tôi sẽ tiếp tục thi đua lao động sản xuất, đóng góp nâng cao các tiêu chí nông thôn mới để xây dựng xã mới phát triển giàu mạnh", ông Vũ Xuân Nghiêm chia sẻ.

Qua kết quả lấy ý kiến cho thấy cử tri đã có sự đồng thuận cao về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Cụ thể, có 5 trong 6 xã có cử tri đồng ý đạt tỷ lệ 100%; 1 xã đạt tỷ lệ đồng ý trên 65%; 100% đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã, cấp huyện biểu quyết tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

Căn cứ vào kết quả lấy ý kiến cử tri, các xã đã tiến hành lập hồ sơ trình HĐND xã để thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính. Trên cơ sở hồ sơ do các xã đề nghị, UBND huyện đã hoàn thiện Đề án báo cáo Ban Thường vụ Huyện ủy về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính tại 6 xã của huyện.

Đến ngày 4/4/2024, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tổ chức hội nghị thông qua Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025. Sau khi kết thúc quy trình thực hiện theo quy định, UBND huyện đã hoàn thiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023-2025, trình UBND tỉnh Yên Bái và các cấp có thẩm quyền.

Ông Trần Nhật Tân, Bí thư Huyện ủy cho biết, trong thời gian tới, sau khi có Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê duyệt Đề án về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, huyện Trấn Yên tiếp tục chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ như: tổ chức ổn định bộ máy của cấp uỷ đảng, chính quyền cơ sở, các cơ quan, đơn vị tại các xã mới được thành lập. Thực hiện giải quyết các chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và những người hoạt động không chuyên trách dôi dư đảm bảo kịp thời, đầy đủ.  

Các cơ quan liên quan hướng dẫn, thực hiện chuyển đổi các loại giấy tờ cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và giải quyết các thủ tục hành chính theo quy định; xử lý tài sản công, cơ sở vật chất dôi dư tại các xã sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã đảm bảo đúng mục đích…

Bài 2: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả của nền công vụ

Bài và ảnh: Tuấn Anh (TTXVN)
Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau cần sớm hoàn thiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính
Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau cần sớm hoàn thiện Đề án sắp xếp đơn vị hành chính

Ngày 7/6, tại UBND tỉnh Bạc Liêu, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023-2025 do ông Võ Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Tài chính làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với lãnh đạo 3 tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau về nội dung này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN