Nhờ đó, diện mạo nông thôn mới nơi đây đã và đang có nhiều khởi sắc. Đến nay, Ninh Thuận đã có 13/28 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nhiều thôn đang trở thành thôn kiểu mẫu.
Hiệu ứng từ chương trình mục tiêu
Theo Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận, toàn tỉnh hiện có 32 dân tộc thiểu số với khoảng 144.200 người, chiếm 24,4% dân số; trong đó người Chăm chiếm 12,17%, người Raglai chiếm 10,39%. Ninh Thuận có 28 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, gồm 15 xã khu vực III, 1 xã khu vực II, 12 xã khu vực I; 1 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a và 10 thôn thuộc vùng đặc biệt khó khăn.
Đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Ninh Thuận luôn có truyền thống đoàn kết, yêu nước, một lòng theo Đảng, Bác Hồ làm cách mạng và đã viết nên những trang sử hào hùng, làm rạng danh cho quê hương. Ngày nay, với tinh thần đoàn kết, người dân luôn hăng hái thi đua lao động sản xuất, sáng tạo trong làm kinh tế, hòa cùng nhịp sống mới với các dân tộc anh em trong toàn tỉnh.
Ông Bá Bình Yên, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận cho biết: Sau những năm giải phóng đất nước, nhất là trong chặng đường 30 năm tái lập tỉnh (1/4/1992-1/4/2022), do xuất phát điểm kinh tế thấp nên đời sống của người dân tộc trong tỉnh còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, Đảng và Nhà nước quan tâm xây dựng, thực hiện các chính sách phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (trong đó có Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới) đã tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển.
Nhờ các nguồn lực đầu tư, nhiều địa phương vùng đồng bào dân tộc đã và đang có sự thay đổi rõ nét. Đến nay, 100% xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã có trạm y tế; 100% thôn có trường học; 100% xã có trường trung học cơ sở; 100% thôn đều có điện lưới quốc gia và trên 99% số hộ sử dụng điện thắp sáng; tỷ lệ hộ dân dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt hơn 90%. Tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số hằng năm giảm từ 3 - 4%, trong đó huyện nghèo 30a Bác Ái giảm bình quân 5 - 6%/năm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt bình quân 10%/năm.
Đến với vùng quê đồng bào Chăm ở thôn An Nhơn, xã Xuân Hải (huyện Ninh Hải), bức tranh nông thôn mới nơi đây đã và đang hiện hữu rõ nét. Cơ sở hạ tầng như: Điện, đường, trường, trạm, nước sinh hoạt hợp vệ sinh… được đầu tư bài bản. Nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi theo hướng hàng hóa gắn với chuỗi giá trị đang được phủ khắp từng mảnh đất, xứ đồng, từng thôn, xóm… mang lại niềm vui lớn trong nhân dân.
Ông Nguyễn Đình Thi, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hải phấn khởi, Xuân Hải là một xã đồng bằng, nằm ở phía Tây của huyện Ninh Hải. Toàn xã có 9 thôn với diện tích tự nhiên trên 2.250 ha. Xã có 2 dân tộc chính là Kinh và Chăm cùng sinh sống. Năm 2011, Xuân Hải được tỉnh chọn là một trong ba xã làm điểm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đến năm 2015, xã đã hoàn thành xuất sắc, đạt và vượt 19/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
Có được đòn bẩy phát triển này, xã Xuân Hải tiếp tục phấn đấu, tham gia thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao. Theo đó, trong giai đoạn 2016 - 2021, hơn 33,7 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, vốn lồng ghép các chương trình, dự án, vốn huy động từ doanh nghiệp và nhân dân đóng góp đã được xã sử dụng để tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng; hỗ trợ các mô hình sản xuất, phát triển kinh tế nông thôn; đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập… Nhờ đó, đến nay Xuân Hải đã đạt 5/5 nhóm tiêu chí, 13/13 nội dung tiêu chí với 24/24 chỉ tiêu và đang chờ được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Ông Thành Văn Tân, Trưởng Ban quản lý - Bí thư Chi bộ thôn An Nhơn (xã Xuân Hải) phấn khởi cho biết, toàn thôn có 530 hộ dân là người Chăm. Kể từ khi xây dựng nông thôn, nhận thức của người dân trong thôn ngày một được nâng cao. Bà con rất tích cực hưởng ứng, chung tay góp của, góp công để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng quy mô sản xuất… mang lại hiệu quả cao. Trong giai đoạn 2019 - 2021, thôn An Nhơn đăng ký trở thành nông thôn mới kiểu mẫu.
Ngoài sự hỗ trợ từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, người dân thôn An Nhơn luôn nỗ lực cùng nhau đóng góp sức người, sức của để đầu tư, hoàn thiện thêm một số công trình trong thôn. "Vừa qua, các đảng viên trong thôn chung tay đóng góp hơn 100 triệu đồng để xây dựng khu công viên thôn. Người dân đóng góp xây dựng đường hoa, làm cổng thôn; đồng thời cùng hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm phát triển các mô hình sản xuất cánh đồng lớn; tham gia hợp tác xã để cùng liên kết sản xuất… Nhờ đó, đời sống của người dân ngày một nâng lên, trong thôn chỉ còn 10 hộ nghèo. Ban quản lý thôn đang rà soát để hoàn thành một số tiêu chí nhằm sớm được công nhận thôn kiểu mẫu", ông Thành Văn Tân chia sẻ.
Ở huyện miền núi Bác Ái, nơi có trên 90% dân số là người Raglai, những năm qua, nhờ thụ hưởng chính sách 30a, đồng thời được sự quan tâm hỗ trợ đầu tư của tỉnh, sự đồng lòng chung sức của cả hệ thống chính trị địa phương, bộ mặt nông thôn của huyện đang từng ngày thay da, đổi thịt.
Theo UBND huyện Bác Ái, nhờ huy động nguồn lực đầu tư, nên giờ đây hầu hết hợp phần như: Điện, đường, trường, trạm y tế, nước sinh hoạt… đã được đầu tư xây dựng bài bản, bao phủ tới tận các thôn, bản. Các mô hình sản xuất, chính sách an sinh xã hội đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực. Hiện nay, trên địa bàn huyện, trung bình mỗi xã đạt hơn 10 tiêu chí nông thôn mới, không có xã dưới 5 tiêu chí.
Để phát triển một cách bền vững
Có thể nói, mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng song trên bình diện chung đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi ở Ninh Thuận vẫn còn có những khó khăn nhất định. Bởi xuất phát điểm thấp, trình độ dân trí và sản xuất của người dân không đồng đều, trong khi biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, tác động của dịch bệnh kéo dài… đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của người dân.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam, với quan điểm ưu tiên đầu tư, chăm lo nâng cao đời sống cho người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng bền vững.
Theo đó, tỉnh sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư, đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực thúc đẩy phát triển. Đến năm 2025, tỉnh Ninh Thuận dự kiến huy động trên 2.780 tỷ đồng vốn từ Trung ương, ngân sách địa phương, vốn tín dụng và nguồn vốn xã hội hóa để tập trung đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ tốt nhất cho sản xuất và dân sinh ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ đầu tư, hỗ trợ các dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn; giải quyết các vấn đề về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt… để người dân có thêm điều kiện phát triển sản xuất, ổn định và nâng cao đời sống.
Tỉnh Ninh Thuận tiếp tục mời gọi các doanh nghiệp đến đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để cùng liên kết, hình thành mô hình sản xuất tập trung quy mô lớn; góp phần giải quyết việc làm, đẩy mạnh chuyển giao khoa học công nghệ để người dân ứng dụng vào sản xuất các loại cây, con có giá trị kinh tế, các mô hình sản xuất mới có hiệu quả, tạo ra sản phẩm có sức cạnh tranh, nâng cao thu nhập và điều kiện sống
Ngoài ra, tỉnh tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đối với lao động là người dân tộc thiểu số; tạo cơ hội để người lao động được đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm tại địa phương; tạo điều kiện cho hộ đồng bào dân tộc tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã để cùng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; đồng thời đẩy mạnh thực hiện các chính sách an sinh xã hội gắn với chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Với sự nỗ lực của tỉnh, sự đồng lòng chung sức của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, từ nay đến năm 2025, tỉnh phấn đấu giảm hộ nghèo hằng năm từ 1,5 - 2%; trong đó giảm hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số và miền núi bình quân trên 3%/năm theo chuẩn nghèo đa chiều.