Theo ghi nhận của phóng viên, tại phường Ghềnh Ráng, dòng lũ đổ về rất mạnh, chảy siết, gây ngập nhiều khu dân cư, có nơi ngập sâu từ 1-1,5m khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Nhiều phương tiện không di chuyển kịp đã bị chết máy hàng loạt.
Ông Đào Kim Mai, thành phố Quy Nhơn cho biết, mưa rất to, có thời điểm hơn 300mm, ông đã nhanh chóng hỗ trợ đưa các tiểu thương ở chợ ra khỏi khu vực bị ngập, nếu không sẽ có thể bị mắc kẹt khi dòng nước vẫn đổ về rất mạnh.
Anh Trần Đăng Khôi, phường Ghềnh Ráng phải dùng tấm biển dài chắn ngang cửa ra vào, trít keo cẩn thận phần tiếp xúc với nền gạch để ngăn nước lũ tràn vào nhà gây thiệt hại về tài sản. Những hộ khác sinh sống ở vùng trũng thấp hơn thì khẩn trương di chuyển đến vị trí cao hơn để tránh tạm. Anh Khôi cho biết, từ 2 năm trở lại đây, cứ mưa lớn là nước từ trên đỉnh núi lẫn các khu vực khác tràn về nên chỉ trong vòng chưa đầy 15 phút là nhà anh ngập ngang đầu gối. Gia đình phải chuẩn bị trước các vật dụng để chủ động ứng phó.
Đây là đợt ngập sâu lần thứ 2 xảy ra tại phường Ghềnh Ráng chỉ trong vòng hơn 1 tháng. Một phần do hệ lụy từ việc xây dựng ồ ạt nhiều công trình mới gây ảnh hưởng đến việc tiêu thoát lũ, điều này khiến cuộc sống người dân nơi đây bị đảo lộn khi phải “sống chung” với tình cảnh này thường xuyên.
Ông Vũ Huy Hảo, Phó Chủ tịch UBND phường Ghềnh Ráng cho biết: Trước tình hình trên, xã đã chỉ đạo lực lượng dân quân tự vệ xã phối hợp với các cán bộ chiến sĩ Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh hỗ trợ di dời người dân vùng ngập nặng về trụ sở khu sinh hoạt nhân dân khu vực 2 để ở tạm. Đồng thời, phân công người túc trực để xử lý kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra.
Theo báo cáo từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Bình Định, mưa lớn đã làm cho khu vực 2,3,4,5 của phường Ghềnh Ráng ngập sâu. Dự báo, mưa lớn sẽ kéo dài đến ngày 22/11. Có 53 hồ chứa nước qua tràn trong đó, có 20 hồ đầy nước, khả năng xuất hiện đợt lũ trên các sông trong tỉnh với mức báo động 1-2; có nơi trên mức báo động 2.