Quảng Nam quan tâm giải quyết việc làm cho người lao động

Sau ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều người lao động mất việc, trở về quê hương, tỉnh Quảng Nam đang triển khai các giải pháp, hướng tới giải quyết việc làm tại địa phương, tạo thu nhập, nâng cao đời sống cho người lao động.

Quảng Nam nằm ở khu vực miền Trung Việt Nam, vị trí thuận lợi về giao thông như có quốc lộ 1A và đường sắt Bắc - Nam là hai tuyến giao thông huyết mạch của quốc gia đi qua. Quảng Nam còn có cảng biển Kỳ Hà và sân bay quốc tế Chu Lai; đặc biệt là đang đầu tư hoàn thiện tuyến đường ven biển kết nối Đà Nẵng - Hội An - Chu Lai - Dung Quất, tạo cơ hội mới cho đầu tư phát triển.

Hiện nay, tỉnh có mật độ dân số hơn 1,5 triệu người; trong đó gần 900.000 người trong độ tuổi lao động. Toàn tỉnh có 9.000 doanh nghiệp đang hoạt động, tạo việc làm cho 240 nghìn lao động. Các trường cao đẳng, cơ sở dạy nghề trên địa bàn đang tập trung đào tạo nghề có địa chỉ, đáp ứng nguồn lao động có chất lượng cho các doanh nghiệp. Qua đó, Quảng Nam có thể thỏa mãn nguồn lao động cho nhà đầu tư cả về số lượng và chất lượng.

Xác định giá trị nguồn lao động hiện có, ngay từ những tháng đầu năm 2023, các ngành chức năng và địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều sàn giao dịch việc làm, tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận được việc làm ở các khu, cụm doanh nghiệp trên địa bàn. Từ các sàn giao dịch việc làm này, các doanh nghiệp tìm lao động, lao động tìm việc làm đã gặp nhau ngay sau kỳ nghỉ Tết để cùng khởi động một năm làm việc với nhiều kỳ vọng.

Chị Đào Thị Hậu, ở xã Đại Quang, huyện Đại Lộc đến sàn giao dịch việc làm với mong muốn tìm được việc làm. Theo chị, khi xảy ra dịch bệnh, chị học ngành Du lịch nên rất lo lắng. Bây giờ, du lịch đã mở cửa trở lại, chị hy vọng có thể tìm được vị trí việc làm phù hợp, có thể thử việc ngay khi học xong và làm việc ổn định ở quê nhà.

Chị Trà Thị Minh ở xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc cho biết, chị mong muốn tìm được việc làm tại địa phương để ổn định cuộc sống, đi làm xa nhà có nhiều chi phí...

Tại phiên giao dịch việc làm huyện Đại Lộc mới đây, 15 doanh nghiệp tuyển dụng trực tiếp và gián tiếp qua Trung tâm Dịch việc làm tỉnh Quảng Nam, với 7.090 vị trí việc làm trong và ngoài nước. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh người học nghề ở các ngành như may mặc, da giày, cơ khí, nhân viên bán hàng, nhà hàng khách sạn...

Ông Phan Tiềm, đại diện Tập đoàn Thaco Trường Hải cho biết: Tại phiên giao dịch việc làm này, Thaco tuyển sinh học nghề tại Trường Cao đẳng Thaco để cung cấp nhân lực cho Tập đoàn và tuyển dụng lao động làm việc ở Chu Lai, Lào, Campuchia. Doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động ở các ngành như lắp ráp ô tô, cơ khí, may, logistics, thương mại dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao… với khoảng 4.000 người đi nước ngoài và 1.200 người làm việc tại Chu Lai. Thaco sẽ tiếp tục có mặt tại các sàn giao dịch việc làm trong tỉnh để tuyển sinh và tuyển dụng lao động.

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết: Năm 2022, Đại Lộc có 1.621 lượt lao động có việc làm, trong đó hơn 170 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt gần 85%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ chiếm gần 39%. Hiện nay, trong tổng số hơn 400 doanh nghiệp hoạt động trong toàn huyện, có 33 doanh nghiệp hoạt động trong các cụm công nghiệp, làng nghề, thường xuyên đáp ứng nhu cầu việc làm cho hơn 6.400 lao động, chiếm khoảng 42% lực lượng lao động ngành công nghiệp toàn huyện.

Ông Quang cho biết thêm: Nhu cầu tìm việc và học nghề của người lao động, việc đào tạo và chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện luôn ở mức cao. Sàn việc làm huyện Đại Lộc năm 2023 được khởi động ngay tại trung tâm của huyện với mong muốn giúp người lao động tiếp cận với việc làm hiệu quả.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định: Chỉ có giải quyết tốt nhu cầu việc làm mới giúp chuyển dịch lao động, nâng cao đời sống, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Sàn giao dịch việc làm là cơ hội kết nối việc làm giữa doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và người lao động.

Giải quyết việc làm, tạo thu nhập, nâng cao đời sống cho người lao động là vấn đề cốt lõi mà tỉnh Quảng Nam hướng đến. Theo đó, trong nhiều năm qua, tỉnh đã triển khai nhiều chính sách, chương trình thiết thực, hiệu quả. Cùng với tạo việc làm cho người lao động ở địa phương, tỉnh còn quan tâm đến chương trình đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng. Qua đó, người lao động có cơ hội việc làm, có thu nhập, nâng cao trình độ tay nghề, kỹ năng chất lượng nguồn lao động. Người lao động sau khi hoàn thành làm việc ở nước ngoài có thể tự khởi nghiệp và bổ sung vào nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh.

Trần Tĩnh (TTXVN)
Sẽ cấp sổ bảo hiểm xã hội điện tử cho từng người lao động
Sẽ cấp sổ bảo hiểm xã hội điện tử cho từng người lao động

Theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi, sổ BHXH giấy đang sử dụng hiện nay sẽ được xây dựng trên môi trường điện tử để từng người lao động theo dõi quá trình đóng hưởng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN