Theo đó, tỉnh Quảng Bình yêu cầu, huyện Minh Hóa và các đơn vị liên quan khẩn trương di dời toàn bộ 40 hộ dân dưới chân đồi cây Sường đến nơi an toàn khi có mưa, lũ; đảm bảo lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân. Huyện tiếp tục duy trì theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, mưa, lũ, sạt lở; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để ứng phó trong trường hợp xảy ra sự cố; cắm biển cảnh báo nguy hiểm, bố trí lực lượng thường trực để cảnh báo, hướng dẫn người, phương tiện qua lại đảm bảo an toàn.
Địa phương tăng cường thông tin, truyền thông để người dân biết về nguy cơ sạt lở, hư hỏng công trình, chủ động ứng phó; khẩn trương triển khai các giải pháp, công trình hoặc thi công công trình phù hợp nhằm xử lý dứt điểm nguy cơ sạt lở tại khu vực, sớm ổn định đời sống, sản xuất, kinh doanh của nhân dân.
Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên Môi trường theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp với UBND huyện Minh Hóa tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo triển khai các biện pháp ứng phó; tham gia nghiên cứu tìm giải pháp kỹ thuật phù hợp để thực hiện chống sạt lở đồi núi thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa.
Khu vực đồi cây Sường (đồi ông Dạn) có địa hình rất dốc, địa chất phức tạp, chiều cao tính từ mặt đất tự nhiên của các nhà dân lên đỉnh đồi khoảng 65 - 70m. Trải qua các đợt mưa, lũ những năm gần đây, khu vực này bắt đầu xuất hiện các vết nứt và sụt, lún.
Từ ngày 18 - 21/9, do ảnh hưởng của bão số 4, khu vực đồi cây Sường đã xuất hiện một số điểm trượt, các điểm nứt hình thành cung trượt sụp, lún với tổng chiều dài khoảng 200m. Tại một số vị trí trên đồi, đất đá đã có dấu hiệu sạt trượt phía sau cách nhà dân 5 - 10m, có vị trí đã áp sát tường nhà dân.
Theo dự báo, thời gian tới là giai đoạn cao điểm của mùa mưa, lũ ở Quảng Bình; đồng thời, khả năng cao có các đợt mưa lớn, liên tiếp và kéo dài, rất dễ xảy ra sạt lở đất; ảnh hưởng trực tiếp đến hàng chục hộ dân dưới chân núi, nguy cơ gây thiệt hại lớn về người và tài sản.