Đây là lần di dời thứ 2 của người dân khu vực này trong một tuần qua. Trước đó, người dân cũng đã phải di dời do ảnh hưởng từ mưa lớn của bão số 4.
Ghi nhận của phóng viên TTXVN, tại trụ sở UBND xã Quy Hóa (cũ) có hàng chục hộ dân đã được sơ tán tập trung về đây do nguy cơ sạt lở khu vực núi cây Sường có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Các hộ dân được chính quyền địa phương bố trí chỗ ăn ở, sinh hoạt ổn định, giúp người dân yên tâm khi phải di dời.
Ông Ngô Quốc Khanh (tổ dân phố 8, thị trấn Quy Đạt) cho biết: "Trước nguy cơ sạt lở núi cây Sường, chính quyền cấp huyện đến cấp thị trấn rất quan tâm đến an toàn tính mạng của người dân. Trong các đợt mưa trước và ngày 22/9, các tổ chức, ban, ngành đã thường xuyên đến tuyên truyền vận động người dân nhanh chóng di dời khi mưa lớn xảy ra. Tại chỗ ở tập trung này cũng đầy đủ giường, chiếu, nước uống, đồ ăn... nên người dân rất yên tâm".
Theo nhiều người dân sống tại khu vực dưới núi cây Sường, khi có thông báo sơ tán từ loa của Tổ trưởng Tổ dân phố, người dân đã nhanh chóng mang theo hành lý đã được đóng gói sẵn, kèm theo một số vật dụng cần thiết và giấy tờ quan trọng để di dời đến nơi an toàn theo hướng dẫn của địa phương.
Tuy nhiên, đa số người dân mong muốn, chính quyền các cấp xem xét bố trí chỗ ở an toàn, ổn định đời sống lâu dài cho người dân. Bởi những năm gần đây, mỗi lần mưa lớn, người dân phải di dời trước nguy cơ sạt lở nên rất vất vả, không thể yên tâm để sinh sống, phát triển kinh tế.
Ông Trần Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Quy Đạt cho biết, qua kiểm tra nhận thấy khu vực trên núi cây Sường có một vết nứt lớn, nguy cơ sạt lở rất cao khi mưa lớn, đe dọa tính mạng và nhà ở của 38 hộ dân với hàng trăm nhân khẩu dưới chân núi. Từ chiều 22/9, khi có mưa lớn xảy ra và dự báo sẽ kéo dài trong một vài ngày tới, chính quyền địa phương tiếp tục thông báo người dân khẩn trương di dời trên tinh thần không chủ quan, đặt tính mạng của người dân là trên hết.
Theo ông Trần Mạnh Hùng, hiện có 25 hộ với 60 nhân khẩu được di dời đến nơi ở tập trung tại trụ sở UBND xã Quy Hóa cũ, còn các hộ gia đình khác di dời đến nhà người thân. Chính quyền địa phương đã bố trí lực lượng tại chỗ để hỗ trợ người già và trẻ nhỏ di dời. Bên cạnh việc bố trí nơi ăn ở cho người dân, chính quyền thị trấn cũng phân công lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, động viên tinh thần người dân yên tâm trong quá trình phải di dời.
Sáng 23/9, ông Đinh Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa đã trực tiếp đến kiểm tra hiện trường khu vực có nguy cơ sạt lở và nơi sinh hoạt của những người dân phải di dời; đồng thời, chỉ đạo chính quyền địa phương chủ động nguồn lương thực, điều kiện cần thiết để đảm bảo cuộc sống cho người dân trong thời gian xảy ra mưa lũ. Vừa qua, huyện Minh Hóa cũng đã trích nguồn ngân sách mua 3 tấn gạo dự trữ để cấp phát cho các hộ dân có nguy cơ bị cô lập, giúp người dân không thiếu đói trong những ngày mưa lũ.
Theo ông Đinh Tiến Dũng, trước nguy cơ sạt lở tại khu vực núi cây Sường (thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa), tỉnh Quảng Bình đã phê duyệt chủ trương đầu tư công trình kè chống sạt lở giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư 17,5 tỷ đồng. Tuy nhiên vừa qua, nguồn kinh phí bố trí không đủ so với quy mô đầu tư. Huyện Minh Hóa đề xuất tỉnh điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án lên 50 tỷ đồng; đồng thời đề nghị tỉnh ban bố tình trạng khẩn cấp để được chỉ định thầu theo quy định của pháp luật nhằm kịp thời triển khai dự án.
Tại huyện Minh Hóa có 34 điểm có nguy cơ sạt lở khi mưa lớn xảy ra, trong đó có một số điểm có nguy có sạt lở núi cao. Để ứng phó với mưa lớn, hai ngày vừa qua, huyện đã phải di dời hơn 50 hộ dân đến nơi an toàn trước nguy cơ sạt lở núi, trong đó thị trấn Quy Đạt 38 hộ, các hộ còn lại tại bản Rục, xã Hồng Hóa.