Những nỗ lực đầu tư bài bản có chiều sâu vào sản xuất, nâng cao chất lượng và quảng bá đang giúp các sản phẩm OCOP của tỉnh Gia Lai tạo dựng được thương hiệu trên thị trường.
Tại xã Đê Ar, huyện Mang Yang, Hợp tác xã Nông lâm nghiệp - Dịch vụ Toàn Diện là một điển hình trong việc tận dụng lợi thế tự nhiên để tạo nên các sản phẩm OCOP đặc trưng. Cụ thể, với 10ha cây đu đủ đực lấy hoa và 5ha mướp đắng rừng đã tạo ra nguồn nguyên liệu sạch cho các sản phẩm hoa đu đủ đực sấy khô, bông đu đủ ngâm mật ong, mướp đắng rừng sấy khô và măng le khô chuẩn OCOP 3 sao.
Anh Lê Sỹ Diện, Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp - Dịch vụ Toàn Diện, chia sẻ nhận thấy tiềm năng của địa phương, đã thành lập hợp tác xã vào năm 2021 để kết nối các thành viên xây dựng chuỗi sản xuất khép kín. Để các sản phẩm đạt chuẩn OCOP, quy trình sản xuất được hợp tác xã kiểm soát nghiêm ngặt từ nguyên liệu đầu vào đến công đoạn chế biến, đảm bảo giữ nguyên hương vị, màu sắc và chất lượng sản phẩm. Hiện nay, các sản phẩm của hợp tác xã đã nhanh chóng chiếm lĩnh nhiều thị trường lớn trong nước và nhận được phản hồi tích cực từ người tiêu dùng.
Thương hiệu gạo Ba Chăm của Hợp tác xã Nông - Lâm nghiệp và Dịch vụ Đăk Trôi, xã Đăk Trôi, huyện Mang Yang cũng là một trong những sản phẩm OCOP nổi bật, gắn liền với văn hoá của đồng bào Bahnar nơi đây. Được trồng trên các sườn đồi với diện tích hơn 350ha và được chăm sóc tự nhiên trong 9 tháng đã mang lại giá trị chất lượng về dinh dưỡng cho sản phẩm.
“Chúng tôi định hướng xây dựng thương hiệu gạo Ba Chăm trở thành biểu tượng đặc sản của địa phương. Hợp tác xã cũng đang nỗ lực mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng lớn. Hiện sản phẩm được tiêu thụ mạnh tại nhiều thành phố lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, và Lâm Đồng”, Giám đốc Hợp tác xã Đăk Trôi Nguyễn Văn Lân cho biết.
Ông Lê Trọng, Chủ tịch UBND huyện Mang Yang, khẳng định việc đầu tư vào công nghệ và mở rộng thị trường sẽ là chìa khóa giúp sản phẩm OCOP vươn xa hơn. Và với những tiềm năng sẵn có, địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân phát triển vùng nguyên liệu đạt các tiêu chuẩn quốc tế.
Còn tại thị xã Ayun Pa, Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Sản xuất - Thương mại - Xuất nhập khẩu Yến sào Win Nest Alpha cũng đã ghi dấu ấn với 2 sản phẩm OCOP 4 sao là Yến sào Mira Nest và Yến hũ tiệt trùng Mira Nest. Nhờ chất lượng cao cùng bao bì thiết kế bắt mắt, các sản phẩm đã tạo được niềm tin của người tiêu dùng trong nước.
Ông Nguyễn Trọng Nhuế, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Sản xuất - Thương mại - Xuất nhập khẩu Yến sào Win Nest Alpha, cho biết, những đánh giá từ người tiêu dùng đã tạo thêm động lực cho công ty không ngừng cải tiến sản phẩm và phát triển thêm nhiều dòng sản phẩm mới với mục tiêu hướng tới xuất khẩu trong tương lai gần.
Theo Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Gia Lai Trần Văn Văn, các sản phẩm OCOP của tỉnh đang ngày càng đa dạng và chất lượng hơn. Các chủ thể đã chú trọng đầu tư sản xuất, chế biến, nâng cao chất lượng cũng như mẫu mã để tiếp cận với thị trường trong và ngoài nước. Song song đó, chính quyền địa phương cũng tích cực hỗ trợ các chủ thể đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm, góp phần thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông sản đặc trưng vùng nông thôn theo hướng bền vững.
Thời gian tới, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh sẽ phối hợp cùng các sở, ban ngành, địa phương tập trung hỗ trợ các chủ thể phát triển các sản phẩm OCOP theo hướng có chiều sâu và chất lượng. Điều này bao gồm việc kiểm soát chặt chẽ an toàn thực phẩm, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và ứng dụng chuyển đổi số để nâng cao khả năng cạnh tranh. Ngoài ra, để quảng bá sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dung, tỉnh Gia Lai cũng đang xây dựng hệ thống điểm bán hàng OCOP tại các khu vực đông dân cư, khu vực phát triển du lịch và thương mại điện tử.