Phát triển lợi thế của địa phương thành sản phẩm OCOP

Tỉnh Vĩnh Phúc đã tích cực triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), phát triển sản phẩm đặc thù, sản phẩm có lợi thế của địa phương.

Chú thích ảnh
Hợp tác xã Nấm Tam Đảo đổi mới quy trình sản xuất, tham gia chương trình OCOP. Ảnh: Nguyễn Thảo/TTXVN

Qua đó, tạo chuyển biến tích cực trong sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

Vĩnh Phúc hiện có 178 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao trở lên. Nhiều sản phẩm OCOP phát triển thị trường tốt, được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng như: sữa tươi thanh trùng có đường, sữa chua nếp cẩm Vĩnh Tường, sữa chua uống của Công ty cổ phần Chăn nuôi và chế biến sữa Vĩnh Thịnh; nấm đùi gà của Công ty TNHH Nấm Phùng Gia; mật ong hoa rừng, tacumin, đông trùng hạ thảo sữa ong chúa của Công ty cổ phần Ong Tam Đảo...

Để thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP, tỉnh đã ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm truyền thống, chủ lực, lợi thế ở mỗi địa phương như: Kế hoạch số 10416 thực hiện thí điểm Chương trình OCOP của tỉnh giai đoạn 2018 - 2020; Quyết định số 53 quy định mức hỗ trợ triển khai thực hiện Chương trình OCOP của tỉnh giai đoạn 2018 - 2020, Kế hoạch số 189 thực hiện Chương trình OCOP Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 - 2025, Quyết định số 51 hỗ trợ triển khai Chương trình OCOP đến năm 2025.

Giai đoạn 2021 - 2025, Vĩnh Phúc dự kiến dành kinh phí ngân sách hỗ trợ trực tiếp thực hiện chương trình là 32,5 tỷ đồng; trong đó, riêng kinh phí hỗ trợ các chủ thể tham gia chương trình hơn 18 tỷ đồng. Cùng đó, tỉnh hỗ trợ triển khai từ 8 - 10 điểm giới thiệu và bán hàng lưu động tại trung tâm các huyện, chợ, siêu thị, chung cư, điểm du lịch trên địa bàn; tổ chức tham gia hội chợ OCOP ở các tỉnh, thành phố trên cả nước để mở rộng thị trường, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm của địa phương.

Phát huy lợi thế khí hậu, địa hình, thổ nhưỡng thích hợp để phát triển nông nghiệp, huyện Tam Đảo đã tập trung rà soát, lựa chọn và hỗ trợ để phát triển thành sản phẩm OCOP. Đồng thời, định hướng xây dựng các mô hình phát triển vùng nguyên liệu gắn với sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, dịch vụ du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn.    

Chú thích ảnh
Sản phẩm nấm Đông trùng hạ thảo của Hợp tác xã Nấm Tam Đảo, xã Hợp Châu, huyện Tam Đảo đã trở thành thương hiệu, sản phẩm tiêu biểu của tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: TTXVN phát

Ông Chu Văn Sáu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Đảo cho biết, địa phương hiện có 27 sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP; trong đó, có 7 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao và 10 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao. Nhiều sản phẩm OCOP đã được người tiêu dùng trong và ngoài nước đón nhận, doanh thu cũng như lợi nhuận của chủ thể tăng lên.

Điển hình như: Nấm đông trùng hạ thảo (Hợp tác xã Nấm Tam Đảo, thị trấn Hợp Châu); Trà hoa vàng (Công ty TNHH Trà hoa vàng Tam Đảo và Công ty TNHH Tân Đại Dương); các sản phẩm chế biến từ sữa bò của Hợp tác xã Chăn nuôi bò sữa Tam Đảo (xã Bồ Lý); các sản phẩm từ cây ba kích, đông trùng hạ thảo của Công ty TNHH Minh Phúc An (xã Hồ Sơn)…

Hợp tác xã Nấm Tam Đảo, thị trấn Hợp Châu, huyện Tam Đảo là đơn vị đang sở hữu 9 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, 4 sao; 2 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh Vĩnh Phúc. Hiện nay, sản phẩm của Hợp tác xã đã có mặt ở hầu khắp các điểm trưng bày, giới thiệu, khu, điểm du lịch nổi tiếng trên địa bàn. Nhiều sản phẩm được biết đến như một thương hiệu tiêu biểu của Tam Đảo nói riêng và tỉnh Vĩnh Phúc nói chung như: nấm sò Tam Đảo, đông trùng hạ thảo Tam Đảo, trà đông trùng hạ thảo hồng chi Tam Đảo, cốm nấm đông trùng hạ thảo…

Anh Nguyễn Quốc Huy - Giám đốc Hợp tác xã Nấm Tam Đảo cho biết, đơn vị luôn đặt chất lượng sản phẩm và quyền lợi của khách hàng lên trên hết. Hợp tác xã luôn đổi mới công nghệ, xây dựng vùng nguyên liệu theo liên kết chuỗi tại nhiều địa phương, đầu tư thiết kế bộ nhãn mác phù hợp để sản phẩm tiếp cận tốt với thị trường.

Thực hiện Chương trình OCOP, nhiều địa phương của huyện Lập Thạch đã mạnh dạn chuyển đổi nhiều diện tích đất đồi trồng sắn, bạch đàn sang trồng cây thanh long ruột đỏ. Từ chỗ được trồng thử nghiệm, đến nay, cây thanh long ruột đỏ trở thành cây chủ lực trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn,, mang lại giá trị kinh tế cao và thu nhập ổn định cho người dân.

Hiện Lập Thạch có hơn 320 ha trồng thanh long ruột đỏ, tập trung ở các xã Xuân Hòa, Vân Trục, Quang Sơn, Hợp Lý, Ngọc Mỹ. Với năng suất đạt 15-20 tấn/ha, sản lượng hàng năm đạt gần 5.000 tấn; thu lãi trung bình khoảng 50 - 60 triệu đồng/ha/năm. Cây thanh long ruột đỏ của Lập Thạch đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng với diện tích 20 ha. Hơn 38 ha được chứng nhận VietGAP và sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.

Chú thích ảnh
Huyện Lập Thạch phát triển cây thanh long ruột đỏ thành cây trồng chủ lực, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Ảnh: Nguyễn Thảo/TTXVN

Hướng tới mục tiêu phát triển sản phẩm OCOP có thương hiệu, theo chuỗi giá trị dựa trên lợi thế, tiềm năng của địa phương, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng, người dân và các chủ thể về chương trình; khuyến khích, thu hút, hỗ trợ các tổ chức kinh tế phát triển sản phẩm mới, sản phẩm có đóng góp vào bảo tồn văn hóa truyền thống, đặc biệt là sản phẩm làng nghề, dịch vụ du lịch nông thôn và nông sản đặc trưng vùng miền. Đồng thời, tỉnh cũng hỗ trợ các chủ thể chú trọng cải thiện chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Nguyễn Thảo (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh: Gần 1.000 sản phẩm OCOP quy tụ tại phiên chợ 'Tết xanh - Quà Việt'
TP Hồ Chí Minh: Gần 1.000 sản phẩm OCOP quy tụ tại phiên chợ 'Tết xanh - Quà Việt'

Gần 1.000 sản phẩm đặc sản từ 49 tỉnh, thành phố trên cả nước đã có mặt tại phiên chợ “Tết xanh - Quà Việt” Xuân Ất Tỵ 2025, thu hút đông đảo người dân đến mua sắm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN