Bạc Liêu: Tăng cường xúc tiến thương mại nâng cao giá trị sản phẩm OCOP

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là Chương trình trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp và nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Chú thích ảnh
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều phát biểu tại Hội nghị kết nối cung cầu sản phẩm OCOP

Phát triển sản phẩm OCOP có thương hiệu, theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về của địa phương, phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa gắn với phát triển dịch vụ, ngành nghề và lao động ở nông thôn; qua đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu trao chứng nhận cho các chủ thể được nâng hạng sao sản phẩm OCOP.

Đa dạng các sản phẩm OCOP 

Theo ông Trần Thanh Mến, Giám đốc Sở Công thương Bạc Liêu,  tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh  triển khai thực hiệnChương trình OCOP và coi đây là nhiệm vụ quan trọng, góp phần khai thác tiềm năng của địa phương, nâng tầm giá trị hàng hóa nông sản, phát triển kinh tế khu vực nông thôn..

Trong hai năm 2023 – 2024, Sở Công Thương đã thực hiện tốt công tác ký kết hợp tác giữa Sở với các tỉnh, thành phố thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, các tỉnh miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên và tỉnh Ninh Bình… với các nội dung: Trao đổi thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ nông sản, sản phẩm hàng hóa giữa các địa phương với nhau.

Đặc biệt, để hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên mạng internet, tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng Sàn giao dịch Thương mại điện tử tỉnh Bạc Liêu (Sàn TMĐT) và giao Sở Công Thương quản lý, vận hành. Hoạt động của Sàn TMĐT Bạc Liêu thời gian đã từng bước được phát triển. Hiện đã có hơn 200 sản phẩm của 85 thành viên, được giới thiệu, quảng bá trên sàn, thành viên của sàn chủ yếu là các cơ sở công nghiệp nông thôn, các cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã và các chủ thể OCOP của tỉnh. Ngoài ra Sàn TMĐT Bạc Liêu còn thực hiện liên kết với Sàn TMĐT các tỉnh thành phố: TP Hồ Chí Minh, An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Long An… và một số tỉnh phía Bắc, góp phần đưa thông tin, hình ảnh doanh nghiệp và sản phẩm của tỉnh giới thiệu đến khách hàng cả nước.

Việc thực hiện Chương trình OCOP của tỉnh Bạc Liêu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Từ sự lan tỏa của chương trình, nhiều nông sản, sản phẩm làng nghề, đặc trưng của các địa phương trong tỉnh đã được các chủ thể đầu tư, phát triển sản xuất trở thành sản phẩm OCOP. Nhiều sản phẩm sau khi được công nhận đạt chuẩn OCOP, đã có thị trường tiêu thụ ngày càng rộng mở, đặc biệt doanh số bán ra ngày càng tăng, góp phần nâng cao lợi nhuận cho các chủ thể.

Chú thích ảnh
Các đơn vị doanh nghiệp tham gia hội chợ sẽ tăng cường quảng bá, tiêu thụ sản phẩm

Chị Tạ Thị Tuyết Thu, chủ Cơ sở sản xuất Nông Sản Việt ở xã Phong Thạnh Tây A, huyện Phước Long cho biết, hơn 10 năm qua, cơ sở của chị đã tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương để chế biến ra nhiều sản phẩm OCOP đạt chất lượng cao như tôm đất khô, khô cá kèo, khô tôm bạc… Các sản phẩm ngày càng có chỗ đứng trên thị trường, bởi chất lượng đảm bảo, giá cả hợp lý. Quan trọng là khi các sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP, sự tín nhiệm của người tiêu dùng tăng lên, mức tiêu thụ ngày càng tăng cao. 

Bà Trần Thị Bảy, Chủ cơ sở Yến Sào cao cấp Hùng Nhi, ở xã Vĩnh Trạch, thành phố Bạc Liêu, cho biết, khi được công nhận OCOP 3 sao, sản phẩm Yến Sào cao cấp Hùng Nhi của đơn vị ngày được càng được người tiêu dùng tín nhiệm và tin dùng. Nhờ được hỗ trợ, sản phẩm đạt chứng nhận, lại được gắn với trưng bày, quảng bá, mà sản phẩm Yến sào cao cấp Hùng Nhi được người tiêu dùng trên cả nước biết đến, sức tiêu thụ tăng lên và giá trị nâng cao.

Theo bà Nguyễn Thị Xuân Thảo, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Muối Bạc Liêu, để đưa sản phẩm OCOP vươn xa chinh phục thị trường, cần tổ chức hiệu quả các hoạt động giao thương, kết nối cung cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản, đặc sản, sản phẩm OCOP của các địa phương tại thị trường trong nước và xuất khẩu. 

Với chiến lược nâng cao hệ thống quản lý chất lượng, cải tiến công nghệ sản xuất và đóng gói, Công ty Cổ phần Muối Bạc Liêu đã đưa ra những sản phẩm từ muối như muối hạt truyền thống, muối tinh khiết, muối gia vị, muối qùa tặng…vào danh sách sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn cao. Những sản phẩm này không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, mà còn hướng đến xuất khẩu, góp phần quảng bá hình ảnh Bạc Liêu ra thế giới.

Hiện, toàn tỉnh Bạc Liêu có 148 sản phẩm OCOP được công nhận, trong đó có 32 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao và 116 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao, cho 69 chủ thể OCOP, 2 sản phẩm muối tinh và muối hạt Bạc Liêu đang hoàn thành thủ tục đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận sản phẩm OCOP 5 sao. Với lợi thế có 3 vùng sản xuất mặn, ngọt, lợ nên các sản phẩm OCOP của tỉnh Bạc Liêu khá phong phú và đa dạng. 

Cùng với đó, các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP thời gian qua đã được Sở Công thương triển khai quyết liệt, ngày càng đa dạng, phong phú đã góp phần tích cực trong việc quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, hình ảnh, đất nước và con người Bạc Liêu đến các địa phương trong nước và quốc tế, thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp quan tâm và tích cực tham gia, góp phần hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp trong tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Chú thích ảnh
Các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP thời gian qua đã được tỉnh Bạc Liêu triển khai quyết liệt, đa dạng, phong phú và đạt hiệu quả tích cực.

Tăng cường kết nối, đẩy mạnh xúc tiến thương mại nâng cao giá trị sản phẩm

Sau 6 năm triển khai thực hiện, Chương trình OCOP tại tỉnh Bạc Liêu đã góp phần quan trọng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người dân. Cùng với việc chú trọng nâng cao chất lượng, Bạc Liêu đang đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm OCOP.

Để tăng cường kết nối cung – cầu sản phẩm OCOP giúp nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững, mới đây, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức Hội nghị kết nối cung - cầu sản phẩm OCOP giữa tỉnh Bạc Liêu với các tỉnh, thành phố năm 2024.

Hội nghị là dịp để kết nối giữa các hệ thống phân phối, sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp đầu mối, hệ thống siêu thị trong và ngoài tỉnh với các chủ thể OCOP của tỉnh Bạc Liêu, nhằm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP, đặc sản của địa phương, tìm kiếm đối tác liên doanh, liên kết, hợp tác phát triển và mở rộng đến với thị trường các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long, TP Hồ Chí Minh và cả nước, hướng đến xuất khẩu.

Chú thích ảnh
Các chủ thể OCOP Bạc Liêu ngày càng quan tâm đến việc đầu tư bao bì và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Theo ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu: Hội nghị là cơ hội để giới thiệu về hình ảnh quê hương đất nước và con người Bạc Liêu; thúc đẩy thương mại nội địa, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị, doanh nghiệp tăng cường sự giao lưu, quảng bá, giới thiệu văn hóa, tiềm năng thế mạnh, tôn vinh các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và một số sản phẩm đặc sản vùng miền để tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại và mời gọi đầu tư...

Để nâng cao hơn nữa chất lượng và số lượng sản phẩm OCOP của tỉnh trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo các Sở, ngành địa phương và các chủ thể OCOP cần tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm như: Đẩy mạnh tuyên truyền về Chương trình OCOP, thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý chương trình OCOP và các chủ thể có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP; hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến để hoàn thiện quy trình sản xuất và mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh…

Chanh Đa-Tuấn Kiệt
Bạc Liêu: Sớm hoàn thành 800 căn nhà để người nghèo có nhà mới đón Tết 
Bạc Liêu: Sớm hoàn thành 800 căn nhà để người nghèo có nhà mới đón Tết 

Thực hiện phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025” của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Bạc Liêu đang huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng các tầng lớp nhân dân hoàn thành gần 800 căn nhà để người nghèo có nhà mới, kiên cố kịp đón Xuân Ất Tỵ 2025.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN