Phát triển hạ tầng thiết yếu vùng đồng bào dân tộc thiểu số Tuyên Quang

Tỉnh Tuyên Quang chú trọng bố trí nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.  

Tại Tuyên Quang, nhiều công trình hạ tầng giao thông thuộc các dự án thành phần của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025, đang được xây dựng, góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng thiết yếu, giúp đồng bào có thêm động lực và điều kiện phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

 Đầu tư nhiều công trình thiết yếu 

Một trong những dự án thành phần quan trọng được Tuyên Quang khẩn trương triển khai là Dự án 4 “Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc”, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Năm 2022, tỉnh đã phân bổ 234 tỷ đồng (trong đó ngân sách Trung ương là trên 225 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của địa phương), thực hiện đầu tư xây dựng 264 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Chú thích ảnh
Làm đường bê tông ở thôn Khuổi Bốc, xã Trung Minh, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang). Ảnh: Vũ Quang/TTXVN

Cuối tháng 5/2023, con đường bê tông đi vào nơi ở của trên 30 hộ dân và trên 10 ha đất sản xuất của nhân dân thôn Đồng Bài (xã Tứ Quận, huyện Yên Sơn), được hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Tuyến đường dài gần 1 km, rộng 3,5 m, trị giá đầu tư 1,2 tỷ đồng.

Bà con tại Đồng Bài rất phấn khởi khi có đường mới. Bốn gia đình có tuyến đường đi qua đã tự nguyện giải phóng mặt bằng, hiến trên 2.500 m2 đất, để công trình thi công đúng thời hạn và tiến độ đề ra.

Anh Tướng Văn Đên (dân tộc Dao, thôn Đồng Bài, xã Tứ Quận) chia sẻ, con đường bê tông khang trang là mong ước bao lâu nay của bà con trong thôn. Khi được chính quyền đến tuyên truyền, vận động hiến đất, xây dựng con đường, gia đình anh đã tự nguyện thu hoạch sớm đồi keo mới 3 năm tuổi, giải phóng mặt bằng, hiến 1.500 m2 đất làm đường. Giờ đây, bà con đi lại mua bán, đi nương, đi rừng đỡ vất vả hơn, trẻ em đi học cũng thuận lợi.

Tại xã Hợp Hòa, huyện Sơn Dương, nơi có gần 40% nhân khẩu là đồng bào dân tộc thiểu số, tháng 4/2023, công trình cầu Đồng Chùa được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí 1,1 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong năm 2023. Đây là 1 trong 7 công trình theo Dự án 4 giai đoạn 2021 - 2025. Ngoài công trình này, hai công trình khác là cầu tràn liên hợp thôn Thanh Sơn, tràn liên hợp thôn Đồng Báo, đã được giải phóng mặt bằng, chuẩn bị thi công. Bà con ở các thôn phấn khởi. Nhiều hộ tự nguyện hiến đất nhanh chóng giải phóng mặt bằng để cây cầu được thi công theo đúng kế hoạch.

Cũng tại huyện Sơn Dương, công trình cải tạo, nâng cấp hồ thủy lợi thôn Đồng Min, xã Bình Yên, đầu tư gần 2,8 tỷ đồng từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đang được đầu tư xây dựng. Công trình dự kiến hoàn thành vào tháng 8/2023; có 2 hạng mục kè thân đập và nạo vét lòng hồ. Sau khi hoàn thiện và đưa vào sử dụng, công trình phục vụ tưới 2 vụ/năm cho trên 25 ha đất nông nghiệp và phục vụ phát triển du lịch tại xã.

Đa dạng hóa các hình thức huy động nguồn lực

Theo đại diện Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh có 121/138 xã được thụ hưởng nhiều chính sách từ các dự án. Đây là những hỗ trợ quan trọng thúc đẩy phát triển toàn diện đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. 

Để thực hiện có hiệu quả Chương trình, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, phổ biến giáo dục pháp luật cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo sự đồng thuận cao trong triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác dân tộc.

Chú thích ảnh
Đầu từ xây dựng trường học nâng cao dân trí cho con em đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh Tuyên Quang. Ảnh: Vũ Quang/TTXVN

Tuyên Quang chú trọng bố trí nguồn vốn triển khai thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho các xã, thôn đặc biệt khó khăn, các công trình giao thông liên kết vùng; tập trung triển khai đồng bộ và huy động tối đa các nguồn lực đầu tư để lồng ghép thực hiện hiệu quả kế hoạch đã đề ra. Địa phương tăng cường các giải pháp và đa dạng hóa các hình thức huy động nguồn lực để thực hiện; đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn, thực hiện thanh, quyết toán nguồn vốn theo Luật Ngân sách Nhà nước...
 
Tỉnh Tuyên Quang phấn đấu đầu tư 419 công trình hạ tầng thiết yếu trong năm 2023, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, đầu tư cải tạo mạng lưới chợ 13 công trình; duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng tại các xã khu vực III (xã đặc biệt khó khăn), xã ATK và thôn đặc biệt khó khăn.

PV
Hà Giang cần chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông
Hà Giang cần chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo 220/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Giang.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN