Phát triển Bà Rịa - Vũng Tàu mạnh về công nghiệp, cảng biển

Ngày 27/7, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án "Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" do Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh làm Trưởng đoàn, đã làm việc với Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu và khảo sát tại địa phương.

Chú thích ảnh
 Ông Trần Tuấn Anh, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương làm trưởng đoàn Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” phát biểu tại buổi làm việc. 

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, thực hiện chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2001-2020, tỉnh đã có nhiều chính sách sách tạo lập môi trường đầu tư và kinh doanh thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa được ban hành đúng hướng, phù hợp với xu thế mới. Đó là chính sách hỗ trợ phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp nền tảng, công nghiệp mũi nhọn, sản phẩm chủ lực của địa phương; chính sách đô thị hóa, phát triển đô thị và kinh tế đô thị gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa; chính sách phát triển kinh tế biển; chính sách quản lý, bảo vệ tài nguyên môi trường gắn với quá trình phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; chính sách thúc đẩy công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn….

Từ các chính sách trên, giai đoạn 2001-2020 kinh tế của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu dần chuyển đổi theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và giảm dần sự phụ thuộc vào ngành công nghiệp khai thác dầu khí. Cụ thể quy mô của nền kinh tế đến năm 2020 cả dầu khí đạt 309.730 tỷ đồng, gấp 6,6 lần so với năm 2001; trong đó dầu khí chiếm 51,84%, giảm 12,5 điểm % so với năm 2001.

Cơ cấu kinh tế trừ dầu khí chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng và giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp. Cụ thể năm 2001 tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm 47,59%, dịch vụ chiếm 40,64%, nông nghiệp chiếm 11,71%; đến năm 2020 tỷ trọng công nghiệp - xây dựng tăng lên 55,63%, dịch vụ giảm còn 24,89%, nông nghiệp giảm còn 11,02%.

Những năm qua, kinh tế của Bà Rịa-Vũng Tàu luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, quy mô kinh tế trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước. Năm 2020, quy mô GRDP của tỉnh tính cả dầu khí đạt 358.504 tỷ đồng đứng thứ 3 của cả nước và thứ 2 trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nếu trừ dầu khí, quy mô GRDP đạt 186.877 tỷ đồng, đứng thứ 7 của cả nước và thứ 4 trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. GRDP bình quân đầu người của tỉnh cả dầu khí đạt 12.958 USD/người.

Ông Trần Văn Tuấn cũng thông tin, đến năm 2020 tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn tỉnh chỉ còn 0,73%. Tính theo chuẩn quốc gia, có thể nói tỉnh đã cơ bản đã xóa nghèo, với tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,09% so với tổng số hộ dân. Chính sách đối với người có công được đặc biệt quan tâm, 100% gia đình thương binh, liệt sỹ khó khăn về nhà ở đã được hỗ trợ. Tỉnh có 40.000 gia đình và cá nhân thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi 100%. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chú trọng xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo đảm an sinh - xã hội, môi trường và các yêu cầu phát triển bền vững trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Định hướng thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh đến năm 2030, tỉnh xác định mục tiêu "Nâng cao chất lượng cuộc sống và niềm tin của nhân dân, tiếp tục phát triển Bà Rịa-Vũng Tàu thành tỉnh mạnh về công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao".

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đánh giá cao những kết quả về công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Về những định hướng lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, trong quá trình phát triển, tỉnh cần phát huy tối đa năng lực nội sinh và tính chủ động, tự chủ. Đồng thời, phải chú trọng đến yếu tố ngoại lực gắn với hội nhập quốc tế, cần có sự đánh giá sâu hơn về hiệu quả, chất lượng thực hiện, đặc biệt trong thu hút đầu tư nước ngoài của tỉnh. Thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa không chỉ tập trung phát triển công nghiệp hay kinh tế nói chung mà còn phát triển xã hội, xây dựng văn hóa, con người, nguồn nhân lực.

Ông Trần Tuấn Anh đề nghị tỉnh cần quan tâm, có chủ trương mới, cách làm hay thúc đẩy công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao gắn việc nghiên cứu, chuyển giao khoa học, công nghệ, tận dụng những thành tựu từ cuộc Cách mạnh công nghiệp lần thứ tư. Về định hướng thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định cần chú trọng khai thác tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, đối với tỉnh cần quan tâm phát triển các ngành kinh tế biển có lợi thế, mũi nhọn như công nghiệp ven biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí, nuôi trồng và khai thác hải sản và các ngành kinh tế biển mới.

Ông Trần Tuấn Anh lưu ý trước hết cần phải nỗ lực tối đa để hoàn thành các mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII, lấy công nghiệp làm động lực chủ yếu trong phát triển kinh tế - xã hội, cùng với thúc đẩy phát triển một số ngành dịch vụ có thế mạnh. Tỉnh cần hoàn thiện hệ thống các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, tập trung cho các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm gắn với nâng cấp hệ thống các đô thị hiện có và tập trung đầu tư các đô thị mới; chú trọng quy hoạch tổng thể công nghiệp và quy hoạch một số ngành, lĩnh vực công nghiệp quan trọng, tập trung ưu tiên phát triển ngành công nghiệp có phát thải các-bon thấp, hàm lượng khoa học công nghệ cao...

Đối với nhiệm vụ xây dựng Đề án, Ban Kinh tế Trung ương đã nhận được báo cáo tỉnh; cùng với những nội dung trao đổi, thảo luận tại buổi làm việc sẽ là tư liệu hữu ích phục vụ cho việc xây dựng Đề án. Thay mặt Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án, ông Trần Tuấn Anh đề nghị Thường trực Tổ Biên tập tiếp thu và tổng hợp đầy đủ các ý kiến thảo luận để tiếp tục hoàn thiện nội dung dự thảo Đề án.

Tin, ảnh: Hoàng Nhị (TTXVN)
Đoàn kiểm tra Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực làm việc tại Sóc Trăng
Đoàn kiểm tra Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực làm việc tại Sóc Trăng

Ngày 6/7, Đoàn kiểm tra số 2 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng ban Chỉ đạo làm Trưởng đoàn, đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng, thông báo kết quả kiểm tra công tác phát hiện, tiếp nhận, chuyển giao, giải quyết nguồn tin về tội phạm tham nhũng, kinh tế, tiêu cực tại tỉnh Sóc Trăng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN