68 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ:

Phát huy tiềm năng, lợi thế đưa Điện Biên phát triển nhanh và bền vững

Sau 68 năm đi lên từ vết thương chiến tranh, tỉnh Điện Biên ngày càng thay da đổi thịt với diện mạo đô thị khang trang, nông thôn đổi mới. Với nhiều tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế, Điện Biên đang nỗ lực để phát triển nhanh và bền vững.

Chú thích ảnh
Những ngôi nhà nằm san sát nhau bên cánh đồng Mường Thanh. 

Những tín hiệu tích cực

Trong năm 2021 vừa qua, dù chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, song kinh tế tỉnh Điện Biên có xu hướng phục hồi tăng trưởng tích cực. Đặc biệt trong 6 tháng cuối năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn so với mức tăng trưởng của cả nước và đứng thứ 2 về tốc độ tăng trưởng trong 9 tỉnh khu vực Trung du và miền núi phía Bắc. 

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt hơn 12.000 tỷ đồng, tăng 6,02% so với năm 2020; cơ cấu kinh tế chuyển hướng tích cực; thu nhập bình quân đầu người đạt 34,5 triệu đồng/người/năm, tăng 3,79 so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2021-2025 hiện nay là 35,38%.

Bước đột phá của Điện Biên những năm gần đây là môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện rõ rệt, huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế tiếp tục tăng cao; thu hút đầu tư có chuyển biến rất tích cực. Thời gian qua, tỉnh tích cực kêu gọi, xúc tiến, thu hút đầu tư với sự hiện diện của nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp, trong đó phải kể đến các nhà đầu tư, tập đoàn kinh tế lớn mạnh hàng đầu cả nước như: Vin Group, Sun Group, FLC Flamingo, Hải Phát... rót vốn vào lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh như du lịch, dịch vụ, nông - lâm nghiệp, bất động sản. 

Năm 2021, tỉnh thu hút được một số nhà đầu tư, doanh nghiệp triển khai các dự án trồng mắc ca với diện tích hơn 37.000 ha, nâng tổng số diện tích trồng mắc ca lên hơn 47.000 ha tại các vùng, khu vực khó khăn, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Từ đó, mở ra cơ hội xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân và nâng tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn.

Đặc biệt, sự kiện Hãng hàng không Bamboo Airways thực hiện khai trương đường bay mới Hà Nội - Điện Biên và đường bay thẳng thành phố Hồ Chí Minh - Điện Biên bằng máy bay phản lực Embraer 190 đã góp phần khơi thông điểm nghẽn về giao thông, mang đến chiều hướng phục hồi và tiềm năng phát triển tích cực cho du lịch.

Thời gian qua, Điện Biên đã chỉ đạo quyết liệt, sát sao giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc của các dự án trọng điểm kéo dài nhiều năm nay. Tỉnh đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư theo Dự án nâng cấp, cải tạo Cảng hàng không và sau đó đã chính thức khởi công dự án này. Dự án đường 60 m sau nhiều năm chậm tiến độ cũng đã được hoàn thành là tiền đề để xây dựng đô thị hiện đại ở thành phố Điện Biên Phủ,…

Phát triển nhanh và bền vững

Chú thích ảnh
Đường 7/5 mới được hoàn thành là tiền đề để xây dựng đô thị khang trang ở Điện Biên. 

Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Điện Biên lần thứ XIV xác định mục tiêu tổng quát của tỉnh đến năm 2025 phải đưa tỉnh Điện Biên phát triển nhanh và bền vững. Để đạt được mục tiêu đó, trong năm 2022 và cả những năm tiếp theo, tỉnh Điện Biên đang tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế.

Ông Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế về nông, lâm nghiệp, du lịch để thu hút đầu tư, phát triển. Tỉnh hướng tới khai thác triệt để tiềm năng lợi thế để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp theo chuỗi liên kết và giá trị. 

Điện Biên tập trung vào các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương như lúa gạo ở huyện Điện Biên, cà phê Mường Ảng, chè Tủa Chùa…, gắn với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc để phát triển các loại cây ăn quả. Đặc biệt, tỉnh tập trung kêu gọi doanh nghiệp, nhà đầu tư khai thác tiềm năng đất đai để phát triển mạnh các loại cây có giá trị kinh tế cao như mắc ca và trồng rừng tạo vùng nguyên liệu gắn chế biến. Mục tiêu hướng tới của Điện Biên phấn đấu đạt được khoảng 120.000 ha và thu hút được hai dự án lớn về phát triển trồng rừng gắn với chế biến để tạo ra việc làm, thu nhập và chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu trong nông nghiệp nông thôn.

Với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh đang tập trung vào khai thác tiềm năng lợi thế dựa trên ba trụ cột chính là: du lịch lịch sử tâm linh, du lịch bản sắc văn hóa gắn với trải nghiệm, du lịch về nghỉ dưỡng và thể thao giải trí. Để làm được việc này, tỉnh đang hướng tới việc bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử thuộc Di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ; bảo tồn, tôn tạo các giá trị bản sắc văn hóa của 19 và dân tộc; khai thác danh lam thắng cảnh. 

Vừa qua, Điện Biên đã tích cực mời gọi các nhà đầu tư lớn có tiềm lực để phát triển nhiều loại hình dịch vụ du lịch như tập đoàn Sun Group và những tập đoàn du lịch khác. Tỉnh đang kêu gọi đầu tư vào hạ tầng để phục vụ cho du lịch như  khách sạn cao cấp, nhà hàng và mở rộng liên kết trong khu vực 8 tỉnh phía Bắc để phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng phát triển tiềm năng, lợi thế về công nghiệp điện, đặc biệt là các năng lượng tái tạo như thủy điện, điện gió và thủy điện tích năng để tạo ra giá trị trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Định hướng của địa phương là phát triển công nghiệp chế biến, đặc biệt là chế biến nông, lâm sản.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, để thu hút đầu tư, địa phương đặc biệt chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Bởi vậy, tỉnh đã đặt ra chương trình phải đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút đầu tư hướng vào tạo các điều kiện thuận lợi nhất; gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các địa phương với việc thực hiện dự án đầu tư của các nhà đầu tư từ khi khảo sát lập dự án, xin chủ trương đầu tư đến khi triển khai thực hiện và kết thúc dự án. 

Tỉnh Điện Biên đang tập trung vào kết hợp nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước với thu hút đầu tư từ các nguồn lực kinh tế để phát triển mạng kết cấu hạ tầng hiện đại gắn với phát triển đô thị. Ngoài ra, tỉnh đang rà soát điều chỉnh quy hoạch đến năm 2030 định hướng đến năm 2050; rà soát, điều chỉnh lại đô thị thành phố Điện Biên Phủ và các đô thị của tỉnh. Tỉnh phấn đấu giá trị về xây dựng trong cơ cấu kinh tế bình quân hàng năm trên 20%, để tạo ra bước đột phá trong phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Với mục tiêu giảm nghèo bền vững, Điện Biên đang huy động nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia kết hợp với chương trình đầu tư về chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương để tạo ra việc làm, thu nhập ổn định và bền vững cho người dân. Qua đó, đẩy nhanh tỷ lệ giảm nghèo, phấn đấu trong cả nhiệm kỳ bình quân mỗi năm giảm trên 5% số hộ nghèo để đảm bảo vấn đề an sinh xã hội cho người dân.

Bài và ảnh: Xuân Tư (TTXVN)
Kỷ niệm 68 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Để Điện Biên cất cánh
Kỷ niệm 68 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Để Điện Biên cất cánh

Năm 1954, nhà thơ Tố Hữu viết: “Máu của anh chị, của chúng ta không uổng. Sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt Nam. Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam. Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng...”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN