Kỷ niệm 68 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Để Điện Biên cất cánh

Năm 1954, nhà thơ Tố Hữu viết: “Máu của anh chị, của chúng ta không uổng. Sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt Nam. Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam. Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng...”.

68 năm sau, dự cảm đó không những thành hiện thực mà còn hơn thế nữa. Lòng chảo Điện Biên- vùng đất núi đồi trập trùng, rừng cây bao quanh với đầy đạn bom nay đã chuyển mình thành đô thị sầm uất. Còn mong ước “Điện Biên cất cánh” năm nào, nay đang dần thành hiện thực…

Chú thích ảnh
Với lợi thế có đường hàng không giúp Điện Biên thuận lợi trong thông thương, giao lưu với các trung tâm kinh tế lớn của đất nước. Ảnh: Xuân Tư/TTXVN

Đầu năm 2022, Cảng hàng không Điện Biên đã chính thức được khởi công nâng cấp, mở rộng. Chỉ một vài năm tới đây, sân bay Điện Biên sẽ có đường băng được điều chỉnh kích thước dải hãm phanh, dải cất hạ cánh để khai thác an toàn các loại máy bay hiện đại, thay vì chỉ khai thác được máy bay thế hệ cũ như hiện nay. Ngoài việc thêm một đường lăn rộng mới, sân bay Điện Biên còn có chỗ đỗ máy bay bảo đảm tiếp nhận được bốn máy bay, gồm ba vị trí đỗ máy bay như Airbus A320, A321 và một vị trí đỗ máy bay phản lực loại nhỏ, đồng thời tiếp tục sử dụng sân đỗ máy bay hiện hữu. Sau ba năm nữa, nhà ga hành khách hiện nay cũng được nâng cấp, mở rộng từ 30 vạn hành khách mỗi năm lên 50 vạn khách một năm.

Việc mở rộng, nâng cấp sân bay Điện Biên có ý nghĩa vô cùng quan trọng không chỉ với Điện Biên mà còn với cả vùng kinh tế Tây Bắc. Sau khi hoàn thành, sân bay này không chỉ kết nối với nhiều tỉnh, thành trong cả nước, tạo sức bật cho nền kinh tế, tạo việc làm trực tiếp cho hàng ngàn lao động mà còn có điều kiện mở rộng kết nối với quốc tế như cố đô Luang Prabang (Lào), Côn Minh (Trung Quốc), Chiang Mai (Thái Lan). Đây chính là điều kiện để Điện Biên phát triển thương mại và dịch vụ du lịch, từng bước thực hiện mục tiêu trở thành trung tâm của khu vực Tây Bắc, trở thành cửa ngõ giao thương của Việt Nam với các nước trong khu vực tiểu vùng sông Mekong mở rộng theo định hướng hợp tác phát triển của Chính phủ và các nước ASEAN đã thống nhất.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô, những năm gần đây, Điện Biên đã được một số nhà đầu tư, tập đoàn lớn quan tâm khảo sát đầu tư trên các lĩnh vực có tiềm năng về du lịch, dịch vụ, sản xuất nông nghiệp và phát triển đô thị... Tuy nhiên, việc triển khai hầu hết còn cầm chừng do các nhà đầu tư đang trông đợi tiến độ triển khai xây dựng mở rộng sân bay Điện Biên. Việc đầu tư mở rộng sân bay Điện Biên cũng sẽ tác động đến liên kết, phát triển vùng, tác động đến liên kết phát triển tiểu vùng quốc tế.

Chứng kiến sân bay đang được nâng cấp, mở rộng cùng sự sầm uất của đô thị trên mảnh đất lịch sử, nghe những nhận định về tương lai vùng lòng chảo Điện Biên của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô, ít người có thể hình dung: Quá khứ chưa xa, vùng núi đồi trập trùng, rừng cây bao quanh này là căn cứ quân sự khổng lồ với quá nhiều hầm hào, đồn lũy của bọn thực dân cai trị, sân bay Mường Thanh là một sân bay dã chiến nhỏ nằm dọc theo sông Nậm Rốm. Biết bao máu xương của chiến sỹ, nhân dân ta đã đổ xuống mới có chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 “chấn động địa cầu, lẫy lừng năm châu” đưa tới vận hội đồng bào dân tộc Điện Biên dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ kết thành một khối đồng tâm xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội.

68 năm trước, đối với thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Điện Biên Phủ là một địa bàn chiến lược hết sức quan trọng ở giữa miền Bắc Việt Nam, Thượng Lào và miền Tây Nam Trung Quốc trong âm mưu xâm lược của chúng ở vùng Đông Nam Á. Tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương này gồm cả bộ binh, pháo binh, công binh, xe tăng, không quân cùng nhiều loại vũ khí hiện đại. Với số quân đông, hỏa lực mạnh, công sự vững chắc, các tướng tá Pháp và Mỹ lúc ấy nói rằng đây là một pháo đài bất khả xâm phạm. Ý đồ của chúng ở thung lũng này là muốn thu hút chủ lực ta tới để tiêu diệt rồi chuyển sang tiến công ta.

Thế nhưng, ngay từ đầu chiến dịch, Đảng, Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận thấy những nhược điểm lớn của căn cứ rất lợi hại này. Vì thế, ta quyết đánh địch. Năm mươi sáu ngày đêm lịch sử là những trận đánh nảy lửa. Riêng tại sân bay Mường Thanh- nơi các đơn vị bộ đội ta chiến đấu, thực hiện nhiệm vụ chia cắt sân bay dã chiến này, không cho máy bay địch hạ cánh đưa thêm quân và tiếp tế lương thực, vũ khí xuống Điện Biên Phủ, thời điểm đó không lúc nào ngớt tiếng bom nổ. Buổi đêm chúng bắn pháo sáng như ban ngày. Cuộc chiến đấu tại đây diễn ra vô cùng ác liệt. Địch tập trung hỏa lực đánh phá, cố giữ sân bay này. Ta và chúng giành nhau từng tấc đất. Giao thông hào sâu 1 mét 2 chỗ nào cũng sâm sấp nước mưa và máu anh em chiến sỹ hoà trộn vào nhau. Để lá cờ quyết chiến quyết thắng tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch vào chiều 7/5/1954, tướng Đờ Cáttơri (De Castries) và toàn bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm bị bắt sống, biết bao chiến sỹ đã mãi mãi nằm lại lòng chảo Mường Thanh.

Sự ác liệt đó, như nhà thơ Tố Hữu ghi lại:
“…Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt
Máu trộn bùn non
Gan không núng
Chí không mòn!
…”

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi 9 năm kháng chiến trường kỳ, anh dũng của nhân dân ta. Đây là trận đánh trực tiếp đưa đến việc ký Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Đông Dương; tạo cơ sở và điều kiện để nhân dân ta tiếp tục giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến bảo vệ và xây dựng Tổ quốc sau này.

Chú thích ảnh
Diện mạo thành phố Điện Biên Phủ đang đổi thay từng ngày. Ảnh: Xuân Tư/TTXVN

Đất nước thống nhất, hòa bình lập lại. Đặc biệt trong những thập niên trở lại đây, nhất là 18 năm kể từ khi chia tách thành hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu (2004 - 2021), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Điện Biên đã đồng tâm kiên trì, phát huy lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Nỗ lực đó đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, đem lại sự chuyển mình như hôm nay ở thung lũng Mường Thanh. Lại càng ghi nhận hơn, trong bối cảnh hơn hai năm qua, Điện Biên cùng cả nước vừa quyết liệt chống đại dịch COVID-19, vừa quan tâm đầu tư, tháo gỡ khó khăn về nhiều mặt. Và trong không gian đầy ắp niềm tự hào và kỷ niệm lịch sử ấy, hàng loạt các chương trình, kế hoạch, dự án với nhiều quy mô được khởi động, như: Dự án xây dựng Đền thờ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại đồi F; dự án Nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Điện Biên…

Như chia sẻ của Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô, đến thời điểm hiện nay, cơ bản các "điều kiện cần" để địa phương có thể phát triển đã và đang được thực hiện. Bây giờ chỉ có "điều kiện đủ" là sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị và đồng bào các dân tộc Điện Biên trong thực hiện các chính sách liên quan giảm nghèo cũng như phát triển kinh tế - xã hội.

Diện mạo một Điện Biên văn minh, hiện đại đang từng bước được hình thành. Và mong ước “Điện Biên cất cánh” cũng đang dần từng bước trở thành hiện thực !.

Hạnh Quỳnh (TTXVN)
Điện Biên Phủ: Những dấu ấn đặc biệt
Điện Biên Phủ: Những dấu ấn đặc biệt

Ngày 7/5/1954 đã đi vào lịch sử của dân tộc Việt Nam và thế giới với chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. “Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới” tạo ra bước ngoặt lịch sử làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh, kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, tạo điều kiện đi đến ký kết Hiệp định Geneva (7/1954). Sự kiện này để lại nhiều dấu ấn đặc biệt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN