Phát huy hiệu quả mô hình 'Làng quê an toàn' ở Tuyên Quang

Với mục tiêu tạo dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho phụ nữ và trẻ em… Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tuyên Quang đã triển khai thực hiện thí điểm mô hình “Làng quê an toàn” tại xã Lưỡng Vượng, thành phố Tuyên Quang.

Chú thích ảnh
Hội viên Chi hội phụ nữ thôn 7, xã Lưỡng Vượng, vệ sinh đường làng ngõ xóm.

Sau hơn 1 năm triển khai, mô hình đã cho thấy những hiệu quả tích cực, giúp nâng cao kiến thức cho hội viên và nhân dân về bình đẳng giới, phòng ngừa xâm hại tình dục và bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em… trên địa bàn xã.

Chị Nguyễn Thị Toàn, Chi hội trưởng Phụ nữ thôn 2 – Chi hội được chọn làm điểm thực hiện mô hình “Làng quê an toàn” của xã Lưỡng Vượng cho biết: Cuối tháng 7/2019, Chi hội Phụ nữ thôn 2 thành lập mô hình điểm “Làng quê an toàn” và Ban điều hành với 5 thành viên. Mô hình có 70 thành viên là các cán bộ, hội viên, đoàn viên phụ nữ các đoàn thể chính trị - xã hội và các hộ tiêu biểu trong thôn có nguyện vọng tham gia. Mô hình hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự giác dưới sự quản lý của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã; sinh hoạt định kỳ 1 lần/tháng tại nhà văn hóa thôn theo các chuyên đề cụ thể:

Chuyên đề phòng chống bạo lực gia đình – tảo hôn – hôn nhân cận huyết; phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ nhỏ; an toàn cho phụ nữ, trẻ em nơi công cộng; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; cách cư xử giữa các thành viên trong gia đình; bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng đồ nhựa. Cùng với đó, Chi hội khuyến khích hội viên, phụ nữ và nhân dân chia sẻ các tình huống không an toàn mà bản thân gặp phải; đặt hòm thư góp ý tại nhà văn hóa để tiếp nhận các ý kiến đóng góp của các thành viên tham gia mô hình…

Cũng theo chị Toàn, từ khi thực hiện mô hình “Làng quê an toàn”, nhận thức của hội viên và nhân dân về an toàn đối với phụ nữ và trẻ em trong thôn được nâng lên rõ rệt. Trong thôn không xảy ra tình trạng bạo lực với phụ nữ, trẻ em. Hội viên, phụ nữ đã mạnh dạn chia sẻ kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình…; 100% trẻ em trong độ tuổi đều đi học, được quan tâm chăm sóc; phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao trong Chi hội được nâng cao; 98% gia đình trong thôn đạt gia đình văn hóa…

Chú thích ảnh
Một buổi sinh hoạt, tuyên truyền những kiến thức xây dựng làng quê an toàn ở Chi hội phụ nữ thôn 2.

Nói về hiệu quả của việc thực hiện mô hình, chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt, hội viên Chi hội phụ nữ thôn 2, xã Lưỡng Vượng chia sẻ: Từ khi thôn thực hiện mô hình “Làng quê an toàn” thì không chỉ phụ nữ chúng tôi, mà tất cả các thành viên trong gia đình đều thay đổi nhận thức về bình đẳng giới; cách bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em… Các ông chồng sẵn sàng chia sẻ việc nhà với vợ, con để phụ nữ chúng tôi có thời gian dành cho bản thân, tham gia các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe… Đời sống của chị em phụ nữ trong thôn hiện nay thay đổi nhiều lắm.

Theo chị Phan Thị Hiển - Chủ tịch Hội “Làng quê an toàn” xã Lưỡng Vượng, “Làng quê an toàn” là làng quê  không bạo lực, không xảy ra việc xâm hại, bạo lực học đường; an toàn khi di chuyển, khi tham gia giao thông, an toàn không bị tai nạn thương tích; an toàn trong hôn nhân và cuộc sống gia đình; an toàn trong tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công như giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường.

Hội phụ nữ xã Lưỡng Vượng có gần 1.200 hội viên, tham gia sinh hoạt ở 11 chi hội. Thực hiện mô hình “Làng quê an toàn”, Hội đã chỉ đạo, hướng dẫn các chi hội tổ chức tuyên truyền sâu rộng các nội dung của mô hình “Làng quê an toàn” tới toàn thể hội viên trong chi hội. Bên cạnh việc thành lập điểm mô hình “Làng quê an toàn” ở Chi hội thôn 2, Hội Phụ nữ xã cũng chỉ đạo các chi hội còn lại, mỗi chi hội lựa chọn ít nhất 2 nội dung liên quan đến chủ đề “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” để tổ chức triển khai thực hiện.

Chú thích ảnh
Vở kịch của hội viên Chi hội thôn 2 tuyên truyền về bảo vệ môi trường.

Đồng thời, để tạo môi trường sống an toàn, xanh, sạch, đẹp… cho phụ nữ và trẻ em, từ tháng 5/2019 đến nay, các chi hội phụ nữ trên địa bàn xã đã tích cực tuyên truyền, vận động các gia đình cho 10 trẻ đi học mầm non; tổ chức tặng 11 suất quà trị giá 2,2 triệu đồng cho các cháu là con em hội viên có hoàn cảnh khó khăn trong độ tuổi đi nhà trẻ; vận động hội viên duy trì và chăm sóc 14 tuyến đường hoa dài trên 5 km; thực hiện giữ gìn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khuôn viên nhà cửa vào những ngày cuối tuần; các chi hội phát triển và duy trì các nhóm thể dục thể thao tại nhà văn hóa thôn vào các buổi tối trong tuần...

Bà Phan Thị Minh Tâm, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Tuyên Quang cho biết: Mô hình “Làng quê an toàn” được thực hiện thí điểm tại xã Lưỡng Vượng đã mang đến những hiệu quả rất tích cực, góp phần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, vận động hội viên tích cực hành động nhằm thực hiện hiệu quả hơn các chính sách, các chương trình về bình đẳng giới, bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ, trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục đối với trẻ em… trên địa bàn xã. Đây cũng là cơ sở để Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tiếp tục nhân rộng mô hình này.

Trong thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cấp hội thực hiện tốt các cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không 3 sạch”; xây dựng mô hình “Làng quê an toàn” gắn với xây dựng nông thôn mới; duy trì và thực hiện tốt hoạt động phụ nữ giúp nhau viên gạch hồng, phát triển kinh tế… từng bước nâng cao đời sống, tạo môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em tại địa phương…

Bài và ảnh: Nam Sương (TTXVN)
Làng quê Tuyên Quang đổi mới nhờ phát huy sức mạnh 'ý Đảng lòng dân'
Làng quê Tuyên Quang đổi mới nhờ phát huy sức mạnh 'ý Đảng lòng dân'

Nhằm mục tiêu xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống nhân dân, ngày 22/5/2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU về kiên cố hóa kênh mương; bê-tông hóa đường giao thông nội đồng và vùng sản xuất hàng hóa; xây dựng nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố gắn với sân thể thao và khuôn viên giai đoạn 2016-2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN