Độc đáo lễ chồng cỗ cao ở làng quê Hà Tĩnh

Chồng cỗ cao - hay còn gọi là lễ cúng gà, một nét văn hoá rất đặc biệt, một tục lệ có từ rất lâu đời vẫn còn lưu truyền và phát triển đến nay ở một số dòng họ ở vùng quê Hà Tĩnh. Những mân cỗ gà trống uy nghi được xếp cao như những ngọn tháp cao vót trưng bày làm lễ cúng như thể hiện lòng thành kính và cầu mongg một năm mới sung túc của con cháu dâng lên tổ tiên với tấm lòng thành kính...

Các thế gà đứng, quỳ, nằm được xếp theo thứ tự.

Rằm tháng giêng năm nay người dân huyện Lộc Hà ( Hà Tĩnh) lại có dịp được đi xem dòng họ Đại tôn Lê Quang (Thạch Châu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) tổ chức lễ chồng cỗ cao cho tất cả con cháu trong dòng họ. Lễ chồng cỗ cao này như một một nét văn hoá rất đặc biệt của người Hà Tĩnh có từ rất lâu đời.

Gà được chọn rất tỉ mỉ để tham dự cuộc thi.

Nhìn những chồng cỗ được xếp cao như những ngọn tháp và trưng bày kín cả khuôn viên từ thượng điện, hạ điện đến cả bên ngoài nhà thờ, người ta hiểu được cuộc sống sung túc của con cháu. Nào bánh chưng, mâm xôi, lợn quay, và những chú gà đứng, ngồi, quỳ … được xếp đặt theo một quy định cổ xưa tạo thành một không gian sinh động, vừa linh thiêng, tôn kính, vừa mang nét văn hoá ẩm thực rất đặc biệt.

Vậy, nhưng không phải ai cũng hiểu biết về điều này vì nhiều lẽ. Trước hết, sự kiện trọng đại này rất hiếm khi xảy ra. Đơn giản vì có nhiều quy định bất thành văn có từ rất xa xưa. Chồng cỗ cao được tổ chức vào những dịp như thế nào? Theo truyền thống gần như là bắt buộc, chỉ những dịp có sự kiện trọng đại của dòng họ mới được phép tổ chức chồng cỗ cao.

Thế gà đứng hiện đang được ưa chuộng

Đó là vào những dịp khánh thành nhà thờ, thay, thục gia phổ (gia phả) hoặc một sự kiện nào đó rất đặc biệt, vừa có ý nghĩa tới tổ tiên, vừa tác động sâu sắc đến cuộc sống và tâm linh của con cháu trong dòng họ thì mới được tổ chức chồng cỗ cao. Thông thường, người ta chỉ tổ chức hoạt động này vào hai dịp trong năm, đó là vào rằm tháng Giêng và rằm tháng Bảy.

Những dòng họ như thế nào mới được phép tổ chức chồng cỗ cao? Không phải dòng họ nào cũng được tổ chức chồng cỗ cao. Trước hết vì chi phí rất tốn kém dành cho hoạt động này nên chỉ có những dòng họ lớn, con cháu làm ăn phát đạt, giàu có, nhiều người tiền bạc dư giả thì mới có thể đảm đương được.

Thế gà quỳ.

Nhiều dòng họ, vì lí do kinh tế mà đành phải cắt giảm dù rất muốn tổ chức để mát mặt tổ tiên và con cháu. Và cũng chỉ có những dòng họ lớn, nhiều đời, có nhiều chi nhánh và họ hàng nội ngoại đông đúc thì mới có thể tổ chức được. Vì thế, nhiều dòng họ dẫu rất giàu có nhưng vì là họ nhỏ nên không đủ số lượng cổ bàn trưng bày theo quy định rất đặc biệt.

Trước hết, những đối tượng tham gia chồng cỗ cao là người của dòng họ. Theo quy định, phần lớn cỗ bàn do con cháu thuộc họ nội và họ ngoại mang đến. Họ nội bao gồm con cháu trong họ từ nhiều chi nhánh khác nhau, có những chi nhánh đã tách ra vì họ lớn quá (có nhà thờ riêng biệt). Họ ngoại bao gồm những người con gái từ nhiều đời trong dòng họ đã lấy chồng. Phía họ nội, độ cao bắt buộc của các chồng cỗ phải cao chín tầng, độ cao đối với họ ngoại là bảy tầng.

Các thế gà được sắp dặt rất uy nghi.

Nhưng dù là họ nội hay họ ngoại thì tầng trên cùng có một quy định bất thành văn là phải có một con gà luộc đứng trong tư thế đang cất tiếng gáy trên mâm cỗ cao nhất. Để làm được những con gà có tư thế như vậy không phải là một việc dễ dàng. Thường phải là các cụ cao niên, có kinh nghiệm và tài khéo léo đảm đương. Tất nhiên, bên cạnh các chồng cỗ được xếp cao lên tận nóc nhà thờ thì cũng có những cỗ bàn bình thường gồm bánh chưng, lợn quay, mâm xôi…

Từ xa xưa, nhằm thể hiện cuộc sống sung túc, giàu có của cháu con, sự phồn thịnh, đông đúc của dòng họ mà cha ông ta đã sáng tạo nên nét văn hoá đặc biệt này. Tuy vậy, do cuộc sống khó khăn mà trong suốt nhiều thời gian dài, văn hoá chồng cỗ cao rất ít khi xuất hiện. Ngày nay, khi cuộc sống có nhiều thay đổi theo hướng phát triển. Đời sống nhân dân được nâng cao rõ rệt thì việc phát huy và tôn vinh nét văn hoá đặc sắc này sẽ vừa làm phát huy và làm phong phú nền văn hoá truyền thống, vừa mang lại sự tự hào, lòng tự tôn về dòng tộc của cháu con.

Tuy nhiên cũng không nên quá lệ thuộc vào hình thức mà lãng phí tiền của hoặc phân biệt đối xử giữa những người đóng góp nhiều đóng góp ít tạo nên sự suy bì, ấm ức trong dòng họ.
           

Châu Anh (TTXVN)
Xem lễ cúng ông Công, ông Táo của một gia đình gốc Hà Nội
Xem lễ cúng ông Công, ông Táo của một gia đình gốc Hà Nội

Dưới sự hướng dẫn của mẹ chồng là một cô gái Hà Nội gốc phố Hàng Bạc, hằng năm lễ cúng ông Công, ông Táo của gia đình anh Dũng, chị Chi (ngõ 155, đường Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy, Hà Nội)luôn vô cùng trang trọng và đúng theo truyền thống dân tộc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN