Thiếu nữ Mông rạng rỡ trong bộ trang phục truyền thống đi chơi hội.
Từ sáng sớm, khi sương mù còn bao trùm khắp các bản làng của huyện Trạm Tấu, không khí ngày hội Gầu Tào đã tưng bừng với lá cờ đỏ sao vàng, cờ hoa tung bay phấp phới hòa cùng dòng người tấp nập trên các tuyến đường đổ về sân vận động thị trấn Trạm Tấu để vui hội. Lễ hội không chỉ là nơi gặp gỡ, giao lưu của đồng bào Mông mà còn lan tỏa sang đồng bào các dân tộc Thái, Tày, Khơ Mú trong huyện và huyện Bắc Yên, Mường La (Sơn La), tạo nên bức tranh đặc sắc, hội tụ bản sắc Tây Bắc.
Khoảng 7 giờ 20 phút, khu vực tổ chức Lễ hội Gầu Tào đã chật kín với hàng nghìn người dân địa phương và du khách háo hức chờ đợi lễ hội lớn nhất trong năm. Chị Nguyễn Thu Hường, ở thị trấn Trạm Tấu chia sẻ: mỗi khi lễ hội được tổ chức chị đều dành thời gian đến vui hội.
Đây là sự quan tâm của chính quyền nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho người dân trước khi bước vào thời gian lao động sản xuất.
“Gầu Tào” theo tiếng Mông có nghĩa là “chơi ngoài trời” hay “hội chơi đồi”. Tùy từng vùng người Mông, lễ hội được tổ chức vào các ngày khác nhau, thường từ mùng 5 đến ngày 15 tháng Giêng để cầu cảm tạ thần linh, xin trời đất ban cho con cái, sức khỏe, may mắn để làm ăn và cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Theo truyền thuyết dân gian của người Mông, trước đây, những cặp vợ chồng nào lấy nhau nhiều năm chưa sinh được con cái, mà muốn sinh được người con như ý muốn, thì người chồng sẽ lên một quả đồi nào đó cầu xin thần đồi, thần núi phù hộ gia đình sinh được người con như ý và hứa sẽ tạ ơn.
Thi giã bánh dày, hoạt động không thể thiếu tại Lễ hội Gầu Tào của người Mông.
Khi đã có được người con như mong muốn, gia đình đó sẽ tổ chức lễ để tạ ơn thần núi, thần đồi như đã hứa và mổ trâu để khao dân bản ngay tại bãi đất bằng của quả đồi, quả núi mà gia đình đó đã cầu con. Sau khi mọi người cùng nhau ăn uống sẽ chơi các trò chơi, hát các bài hát dân ca, múa khèn, múa ô, múa gậy vui vẻ để mừng cho gia chủ. Nguồn gốc của Lễ hội Gầu Tào cũng bắt đầu từ đó.
Lễ hội Gầu Tào gồm phần lễ và phần hội. Trong phần lễ, cây nêu là biểu tượng chính, là “phần hồn” của sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống và là nghi lễ đặc sắc được chú ý nhất trong lễ hội. Trước khi chặt cây nêu, nghệ nhân Giàng A Su chọn ngày, giờ xong mới tiến hành chặt, không được để cây chạm đất mà phải hạ cây nêu từ từ xuống và phân công người thay nhau khênh, vác đưa về sân vận động để dựng. Cây nêu được dựng về phía mặt trời mọc và đó là cầu thang giúp người Mông đưa lời cầu khẩn của gia chủ đến được các vị thần ở trời cao.
Khi cây nêu đã dựng xong, dưới gốc cây đặt một chiếc bàn gỗ nhỏ để lễ vật dâng cúng. Lễ vật gồm giấy bản, 1 bát gạo, 1 bát nước, 1 bầu rượu, 8 chén nứa được chia đều đặt ở 4 góc bàn lễ và ống nứa dài dùng để đựng rượu; đặc biệt lễ vật không thể thiếu là con gà trống.
Nghi lễ cúng năm nay do nghệ nhân Giàng A Su thực hiện với nội dung: “Tạ ơn thần núi, thần đất, thần trời, thần suối đã cho đồng bào các dân tộc huyện Trạm Tấu một năm có nhiều điều tốt lành, mùa màng bội thu và cầu xin thần linh tiếp tục phù hộ độ trì cho đồng bào các dân tộc huyện Trạm Tấu một năm mới nhiều may mắn...”.
Sau phần lễ đến phần hội, đây là thời điểm người dân và du khách vui chơi và giải trí, tổ chức các hoạt động thể thao, trò chơi hấp dẫn như: Thi giã bánh giầy, đánh cù quay, kéo co, đẩy gậy, đánh cầu lông gà, ném pao cùng nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật như múa khèn, tấu sáo, kéo nhị, hát đối, hát giao duyên, đàn môi, kèn lá diễn ra sôi nổi. Đây là dịp để mọi người gặp gỡ, giao lưu, vui chơi, hát các điệu hát giao duyên và cùng nhau múa khèn, mời nhau uống chén rượu đầu xuân năm mới.
Du khách Hồ Thành Đạt đến từ Quảng Ninh chia sẻ, đây là lần đầu tiên anh đến Yên Bái. Được tận mắt chứng kiến các nghi lễ của lễ hội Gầu Tào, anh Đạt cảm thấy rất thú vị. "Đặc biệt, được hòa mình vào trò chơi ném pao và đánh lông gà cùng các thiếu nữ Mông rạng rỡ trong bộ trang phục, đó là trải nghiệm khó quên …., anh Đạt chia sẻ.
Kết thúc lễ hội là nghi lễ tạ và hạ cây nêu. Khi cây nêu được hạ xuống hướng về phía mặt trời lặn, đi ra sông suối, biển cả với quan niệm ngăn chặn những điều không may mắn, không tốt với người dân, giúp cho người dân năm mới mưa thuận, gió hòa, sản xuất phát triển, nhân dân có nhiều sức khỏe, cuộc sống ấm no, hạnh phúc và bình an.
Trò chơi kéo co thu hút sự tham gia cổ vũ của người dân và du khách.
Ông Vũ Lê Chung Anh, Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu cho biết, Lễ hội Gầu Tào của đồng bào dân tộc Mông, huyện Trạm Tấu là một trong những lễ hội tiêu biểu thể hiện truyền thống văn hóa của dân tộc có từ rất lâu đời, được đồng bào dân tộc Mông duy trì và gìn giữ. Lễ hội đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đây là niềm tự hào vô cùng to lớn không chỉ của đồng bào Mông huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn mà còn của nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái.
Thời gian tới, huyện Trạm Tấu cam kết sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động thiết thực phát huy và thực hành di sản thông qua việc đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá Lễ hội Gầu Tào gắn với phát triển du lịch văn hóa cộng đồng; tiếp tục hỗ trợ và tạo điều kiện để đồng bào Mông duy trì tổ chức, truyền dạy lễ hội, bảo tồn các nghi lễ truyền thống.
Trạm Tấu là huyện phía Tây của tỉnh Yên Bái, nơi hội tụ nét văn hóa đặc sắc của 12 dân tộc. Trong đó, dân tộc Mông chiếm trên 79%, sinh sống tại 10 xã vùng cao với những di sản văn hóa truyền thống, đậm đà giá trị nhân văn sâu sắc.