Người dân thả cá chép vàng ra sông, hồ sau khi làm lễ tiễn ông Công ông Táo về trời. Ảnh: Minh Đức - TTXVN |
Đây là một nét đẹp trong văn hóa dân gian ta được lưu truyền từ nhiều đời nay. Tục lệ khi mua đồ cúng ông Táo, tùy vào năm theo ngũ hành mà chọn màu sắc của áo, mũ, hia tương ứng, ví dụ như năm hành kim dùng màu vàng, hành thủy dùng màu xanh... Mâm cỗ cúng ông Táo không nhất thiết phải cầu kỳ, nhưng phải đầy đủ món canh, món xào, xôi, giò chả, chè kho, hoa quả, thịt luộc, quả cau, lá trầu, gạo, muối, rượu và 1 lọ hoa nhỏ hay lễ chay (với trầu cau, hoa, quả, giấy vàng, giấy bạc). Lễ cúng thường diễn ra trước 12h trưa ngày 23, mâm cúng phải đặt trong bếp. Sau khi cúng, những đồ vàng mã như mũ, áo, hia và một số vàng thoi bằng giấy sẽ được đốt đi sau lễ cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp cùng với bài vị cũ. Sau đó người ta sẽ lập bài vị mới cho Táo Công. Theo phong tục miền Bắc, người dân còn cúng cá chép còn sống để các ông, bà Táo có phương tiện về chầu trời, với ngụ ý "cá chép hóa long" nghĩa là cá sẽ biến thành Rồng đưa ông Táo về trời. Sau khi làm lễ, cá chép này sẽ được "phóng sinh" (thả ra ao hồ hay ra sông).
Lễ cúng ông Táo là một nét văn hóa đẹp, mang nhiều nét tâm linh, hướng tới bình an, không chỉ của người dân Hà Thành, mà còn là của chung người dân trên khắp cả nước. Những năm gần đây, sau rằm tháng chạp người dân đã bắt đầu cúng ông công ông táo về trời mà không cần chờ đến đúng ngày 23 tháng chạp. Một phần cũng bởi cuộc sống hiện đại ngày nay, khi mọi người đều bận rộn với những công việc mưu sinh hằng ngày thì việc chuẩn bị cho ngày lễ này cũng được đơn giản hơn. Phần lớn những nguyên liệu để làm lễ cúng được bày bán nhiều trên thị trường như bánh chưng, thịt đông, giò chả... có thể giúp các bà nội trợ tiết kiệm công sức và thời gian.
Là một giáo viên trung học cơ sở, cô Nguyễn Trà Hương (Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, với lịch dạy chiếm cả tuần việc chuẩn bị một mâm cơm cúng Táo quân như ngày trước là rất khó khăn. Như mọi năm, cô thường ra chợ và mua đồ vàng mã từ trước đó 1 tuần, thực phẩm làm đồ cúng có thể dậy sớm và mua tại chợ để đảm bảo độ tươi ngon. Mâm cúng Táo quân của gia đình cô rất đơn giản, nhưng vẫn phải đảm bảo có cơm canh (canh măng, miến hoặc bát bóng thả giò), rượu thịt, giò chả, bánh chưng, dưa hành...
Các đồ vàng mã cũng được mua với số lượng vừa đủ. Đây cũng là lựa chọn của nhiều gia đình với tiêu chí mâm cỗ đơn giản nhưng tươm tất và phù hợp với công việc bận rộn của gia đình. Các loại cá chép hiện nay dùng để cúng ông Táo rất phong phú và đa dạng. Ngoài cá chép vàng truyền thống còn có cá chép Nhật vàng, cá chép ngũ sắc... Thậm chí có những nhà ưu tiên chọn cá chép giấy để hóa luôn cùng quần áo và tiền vàng. Lí giải cho sự lựa chọn này, cô Nguyễn Thanh Nhàn (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, gia đình cô cúng chép giấy được 2-3 năm gần đây. Cúng cá chép giấy có ưu điểm nhanh, gọn, đặc biệt là đảm bảo vệ sinh môi trường. Một phần do khu vực nhà ở không gần ao, hồ nhưng cô cho biết, có trường hợp nhiều người quẳng theo túi ni lông đựng cá xuống hồ, về mặt tâm linh và môi trường đều không hợp lý. Nhiều trường hợp báo chí đưa tin có người đánh bắt lại cá phóng sinh để đem bán lại hoặc làm thức ăn khiến nhu cầu dùng cá chép giấy càng tăng cao.
Sự phát triển nhanh chóng về kinh tế khiến nhiều năm gần đây, một số gia đình có điều kiện thường cúng rất nhiều đồ vàng mã. Bên cạnh bộ quần áo ông Công ông Táo và một số đồ đi kèm, bắt đầu xuất hiện một số đồ hiện đại như ô tô, nhà lầu, xe hơi... đủ chủng loại. Đây là một việc làm gây lãng phí và tăng dần nguy cơ cháy nổ, ô nhiễm môi trường.