Ngày hội nằm trong khuôn khổ Đề án "Tổ chức định kỳ ngày hội, giao lưu, liên hoan văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào các dân tộc thiểu số theo khu vực, toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030" được phê duyệt tại Quyết định số 3666/QĐ-BVHTTDL ngày 7/12/2020.
Đây là một sự kiện văn hóa với quy mô lớn nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc miền Trung, tỉnh Bình Định nói riêng trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Tôn vinh các giá trị văn hóa độc đáo
Tại Ngày hội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, trong dòng chảy lịch sử của dân tộc, dải đất miền Trung được xem là nơi hội tụ, chuyển tiếp và kết tinh nhiều giá trị văn hóa.
Cộng đồng các dân tộc miền Trung đã góp phần tạo nên bức tranh văn hóa đa sắc màu với bề dày hơn 2.000 năm, tiêu biểu là nền văn hóa Sa Huỳnh và nền văn minh Chăm Pa. Quá trình đấu tranh sinh tồn, cải tạo thiên nhiên, lao động, sản xuất và sinh hoạt hàng ngày đã hình thành nên kho tàng văn hóa phong phú.
Nơi đây sở hữu giá trị tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hóa đồ sộ với 5 Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, 6 Di sản Văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, 37 di tích quốc gia đặc biệt, 49 bảo vật quốc gia, 691 di tích quốc gia, 176 di sản văn hóa phi vật thể trong danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Cùng với Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc tại các vùng miền trên cả nước, trải qua 3 lần tổ chức, Ngày hội Văn hóa các dân tộc miền Trung đã góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc miền Trung.
Thông qua Ngày hội, những thành tựu về văn hóa được tạo dựng qua nhiều thế hệ được nối tiếp, vun đắp và tô đậm hơn theo thời gian của lịch sử, đó cũng là minh chứng hùng hồn cho tinh thần đoàn kết, ý chí bất khuất và khát vọng vươn lên của đồng bào các dân tộc nơi đây.
Đây cũng là dịp tôn vinh và quảng bá các giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc của đồng bào các dân tộc miền Trung tới người dân, du khách quốc tế, góp phần phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng, Bình Định là nơi hội tụ, giao thoa văn hóa của nhiều dân tộc anh em với 39 dân tộc thiểu số sinh sống; trong đó chủ yếu là ba dân tộc: Bana Kriêm, Chăm Hroi, Hrê. Ngày hội là sự kiện có ý nghĩa chính trị, văn hóa, xã hội sâu sắc nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc miền Trung trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam; góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
“Ngày hội còn thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc. Đây cũng là cơ hội để tỉnh Bình Định quảng bá, giới thiệu các sản phẩm văn hóa du lịch của quê hương và con người Bình Định với bạn bè, du khách trong và ngoài nước, gắn công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch bền vững”, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng cho biết thêm.
Cùng với phần lễ, Ngày hội có các hoạt động văn hóa đáng chú ý như: Liên hoan Văn nghệ quần chúng; trình diễn trang phục dân tộc truyền thống; trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc tại địa phương; trưng bày, giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống địa phương; trưng bày, chế biến, giới thiệu ẩm thực; hoạt động thể thao và các trò chơi dân gian dân tộc; hoạt động du lịch…
Quảng bá nét văn hóa truyền thống đặc sắc
Một trong những hoạt động chính của Ngày hội năm nay là hoạt động quảng bá văn hóa truyền thống các dân tộc đến từ 11 tỉnh trong khu vực đã diễn ra tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành, thành phố Quy Nhơn (Bình Định).
Du khách rất hào hứng khi được trải nghiệm, chứng kiến các dân tộc miền Trung trưng bày, giới thiệu, quảng bá nét văn hóa truyền thống đặc sắc với bề dày lịch sử lâu đời của địa phương mình như: Cách dệt thổ cẩm để làm nên những bộ trang phục độc đáo, đầy màu sắc từ đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân giàu kinh nghiệm đến cách chế tác ra những loại nhạc cụ đặc trưng và trình diễn chúng một cách thuần thục. Cùng với đó, du khách còn được giao lưu ẩm thực đậm hương vị núi rừng.
Đến từ Quảng Ngãi, chị Huỳnh Thị Đẹp, chia sẻ: "Ngày hội quy tụ rất đông người. Tôi khá bất ngờ khi được mời dùng những món đặc sản của các dân tộc miền Trung. Phải nói rằng, nó rất độc, lạ, bắt mắt và rất ngon".
Lần đầu tiên được tham gia Ngày hội, em Sân Ni, dân tộc Cơ tu (Quảng Nam) bày tỏ: “Em rất tự hào bởi đến đây, có cơ hội để truyền bá nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình đến mọi người cũng như nghiên cứu, tìm hiểu nhiều hơn về những nét đặc trưng, đặc sắc của các đồng bào dân tộc khác."
Theo ông Lê Hồng Khánh, Thành viên Hội đồng thẩm định nghệ thuật của Ngày hội: "Việc quảng bá, giới thiệu theo hướng này rất hay và có giá trị, nó cho ta thấy rõ cái gì là khác biệt, đặc thù của một dân tộc."
Các hoạt động nằm trong khuôn khổ Ngày hội được chuẩn bị chu đáo, nội dung tiêu biểu, phù hợp và có tính nghệ thuật cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ của nhân dân, đề cao vai trò của chủ thể văn hóa các dân tộc miền Trung, bảo đảm yếu tố bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với các yếu tố thời đại.
Phó vụ trưởng Vụ Tuyên truyền (Ủy ban Dân tộc), ông Đinh Xuân Thắng đánh giá, Ngày hội các dân tộc miền Trung lần thứ IV năm 2023 đã thành công ngoài mong đợi khi thu hút được 11 tỉnh miền Trung tham gia. Điều đó cho thấy sự quan tâm, trách nhiệm của các địa phương trong khu vực với công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc.
Ngoài việc giao lưu, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, động viên lẫn nhau, thông qua Ngày hội, các nghệ nhân sẽ nhận thức rõ hơn vai trò, vị trí của mình ở đâu để cùng nhau xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc qua các tiết chế văn hóa đặc thù, hướng tới mục tiêu chung là bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, hội nhập và phát triển.