Lễ rước rồng và lễ vật được tổ chức theo nghi lễ truyền thống. Ảnh: Đức Phương/TTXVN
Theo đó, các sự kiện văn hóa nối tiếp nhau chào đón du khách về với Ninh Bình dịp lễ này. Mở đầu là lễ khai mạc Nón lá Việt Nam Festival 2025 tại cổng chào Tràng An, thành phố Hoa Lư. Hình ảnh bản đồ Việt Nam được xếp từ hàng nghìn chiếc nón lá cùng màn biểu diễn kỵ binh đặc sắc sẽ gây ấn tượng mạnh mẽ với người dân và du khách.
Tiếp đó, vào ngày 2/5, tại Khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, Ninh Bình đã khai mạc “Không gian trưng bày làng nghề truyền thống Ninh Bình”. Đây là hoạt động nhằm tôn vinh, bảo tồn và phát huy giá trị của các làng nghề thủ công mỹ nghệ nổi tiếng như gốm Bồ Bát, thêu ren Văn Lâm, dệt cói Kim Sơn... Đến đây, du khách không những được chiêm ngưỡng những sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống mà còn có cơ hội trực tiếp trải nghiệm quy trình sản xuất cùng các nghệ nhân.
Chương trình nghệ thuật thời trang “Di sản dành cho cuộc sống”.
Tối 2/5, chương trình nghệ thuật thời trang “Di sản dành cho cuộc sống” đem đến cho du khách một trải nghiệm khó quên khi các bộ sưu tập lấy cảm hứng từ văn hóa, thiên nhiên Ninh Bình được các nghệ sĩ nổi tiếng và chính các nghệ nhân làng nghề trực tiếp tham gia trình diễn.
Du khách đến với Ninh Bình còn được thưởng thức Show diễn cổ phục “Gấm vóc Hoa Lư”; Màn trình diễn thực cảnh tái hiện tinh hoa làng nghề truyền thống Hoa Lư vũ họa; Màn trình diễn trên bến thuyền Tam Cốc với các nghệ sĩ nổi tiếng: Nhuộm sắc Lưu Giang.
Cùng với hoạt động văn hóa, các hoạt động thể thao như giải đua xe địa hình, giải “Chạy về Làng” cùng các trò chơi dân gian, thả đèn hoa đăng, trồng cây xanh và diễu hành xe đạp... đã níu chân du khách lâu hơn với Ninh Bình.
Nhờ những hoạt động đặc sắc trên, trong 5 ngày nghỉ lễ (30/4 – 04/5/2025), tỉnh Ninh Bình ước đón trên 700.000 lượt khách, trong đó có hơn 124.000 lượt khách quốc tế (tăng hơn 112% so với năm 2024). Doanh thu du lịch ước đạt trên 1.000 tỷ đồng, tăng gần 44% so với cùng kỳ.