Đợt dịch thứ 4 ban đầu ghi nhận ca mắc liên quan bệnh nhân 17.725 người Phú Yên, vào cảng cá Hòn Rớ mua cá ở một số địa điểm tại thành phố Nha Trang, sau đó lan rộng đến thị xã Ninh Hòa, thành phố Nha Trang, huyện Diên Khánh, làm cho công tác phòng, chống dịch của tỉnh Khánh Hòa gặp nhiều khó khăn. Nhiều quyết sách đưa ra sau đó phải bãi bỏ như việc quyết định đóng cửa siêu thị của thành phố Nha Trang. Tỉnh Khánh Hòa lập nhiều chốt chặn trên các cửa ngõ vào tỉnh và ở các địa phương.
Ông Nguyễn Hải Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa nhìn lại thời gian chống dịch này cho biết, đến thời điểm này, Khánh Hòa chống dịch có hiệu quả ngoài sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị thì phải kể đến sức dân. Dựa vào nhân dân để chống dịch, tỉnh đã có quyết sách chốt chặn, bảo vệ "vùng xanh" ở tổ dân phố, mỗi gia đình sớm nhất cả nước. Giao việc bảo vệ "vùng xanh" đến các đội tự quản của tổ dân phố, huy động sức của các cựu chiến binh, thanh niên tình nguyện, phụ nữ… để thực hiện chống dịch. Bí thư Tỉnh ủy khẳng định, trước đó chốt chặn theo từng huyện, thị xã, thành phố rồi đến xã, phường thì số ca mắc COVID-19 mỗi ngày vẫn còn rất cao. Công tác tầm soát, phát hiện các bệnh nhân COVID-19 trong cộng đồng vẫn rất khó khăn. Sau này, khi áp dụng việc phòng, chống dịch đến tận ngõ, tổ dân phố thì hiệu quả rất rõ rệt.
Để không bị đứt mạch sản xuất kinh tế và ổn định xã hội, các hoạt động sản xuất kinh doanh trọng tâm, trọng điểm trên địa bàn tỉnh vẫn được duy trì. Thời điểm đó, tỉnh áp dụng các chính sách như "một cung đường, hai điểm đến", "ăn uống tại chỗ phục vụ sản xuất ở các nhà máy lớn"… Nhờ kiểm soát chặt chẽ nên việc lây nhiễm chéo trong các khu công nghiệp khá ít, đảm bảo đầy đủ lực lượng sản xuất cho các dây chuyền.
Câu chuyện chống dịch toàn tỉnh rất nhiều, ấn tượng nhất là ở thành phố Nha Trang. Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa cho biết, để tầm soát các ca F0 nằm trong cộng đồng, thành phố Nha Trang đã thực hiện cao điểm tầm soát dịch COVID-19 toàn thành phố chỉ trong một buổi chiều đến đêm khuya. Đợt tầm soát này huy động sự giúp đỡ của y tế các huyện, thị xã khác trong tỉnh, qua đây phát hiện 26 ca F0, từ đó giúp thành phố nhận định đúng về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn và nới lỏng kiểm soát dịch vào khoảng tháng 9/2021.
Người dân vui mừng vì được tiếp nhận và tiêm vaccine từ rất sớm. Đến đầu tháng 10, tình hình tiêm vaccine mũi 1 cho người trên 18 tuổi của tỉnh Khánh Hòa đã cơ bản đầy đủ. Người dân được ra đường và trở lại cuộc sống thường ngày. Từ ngày đó đến nay, công tác tiêm vaccine cho người dân vẫn được đẩy mạnh và là hoạt động hàng đầu trong công tác phòng, chống dịch của mỗi xã, phường.
Hiện nay, việc điều trị COVID-19 đều được phân cấp điều trị tại các cơ sở y tế địa phương, chỉ có những trường hợp nặng thì mới chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Khánh Hòa. Do đó, khu điều trị COVID-19 của bệnh viện sẽ dựa trên thực tế lượng bệnh nhân nhập viện. Nếu dưới 10 bệnh nhân sẽ bố trí kíp trực bao gồm 4 người, 1 bác sĩ, 1 điều dưỡng và 2 hộ lý.
Kể lại những ngày không thể quên, bác sĩ Nguyễn Đông, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa cho biết, ngay khi đợt dịch COVID-19 lần 4 bùng phát mạnh trên cả nước vào tháng 7/2021, bệnh viện đã mời 7 chuyên gia đầu ngành ở bệnh viện lớn về huấn luyện, "cầm tay chỉ việc" cho đội ngũ y, bác sĩ của bệnh viện. Tại thời điểm đó, máy móc điều trị và thuốc đặc trị cho COVID-19 vẫn chưa có nhiều nên các bác sĩ gặp trở ngại rất lớn trong việc điều trị cho bệnh nhân.
Ông Bùi Xuân Minh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa cho biết, chặng đường chống dịch khó khăn nhất đối với ngành Y tế là vào thời điểm vaccine chưa được phủ diện rộng. Do đó, các ca mắc nặng liên tục tăng cao, 367 bệnh nhân tử vong do COVID-19 là điều trường hợp có bệnh nền. "Tập thể y, bác sĩ chúng tôi rất đau lòng trước sự mất mát này. Vậy nên, dẫu tình hình dịch COVID-19 đã được kiểm soát tốt, ngành Y tế đề nghị bà con nhân dân không được lơ là, chủ quan, tiếp tục tiêm đầy đủ các mũi vaccine theo khuyến cáo của Bộ Y tế", ông Bùi Xuân Minh nhấn mạnh.
Trong suốt chặng đường phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua, đã có điều chưa hay trong công tác chống dịch tại tỉnh nhưng cũng có rất nhiều "chiến sĩ áo trắng" làm nên điều kỳ diệu. Nhiều y, bác sĩ điều trị cho bệnh nhân bị lây nhiễm chéo nhưng vẫn kiên trì, tự mình uống thuốc và trở về khỏe mạnh. Bác sĩ Nguyễn Đông cho biết, đội ngũ bác sĩ của bệnh viện và lực lượng y tế tăng cường trong tỉnh đã điều trị các bệnh nhân trong một áp lực tinh thần rất lớn. Nhiều nhân viên y tế có biểu hiện sang chấn tâm lý nhưng trở về sau những khoảnh khắc "thập tử nhất sinh". Tuy vậy, trong khó khăn, tinh thần gắn bó, đoàn kết và tương trợ lẫn nhau càng mạnh mẽ hơn và đặc biệt là trình độ chuyên môn của mỗi người đều được nâng cao. Tính từ cuối năm 2021 đến nay, không có bác sĩ bỏ việc, nghỉ việc.
Để các y, bác sĩ yên tâm công tác là nỗ lực rất lớn của chính quyền các cấp. Công tác hỗ trợ, phụ cấp kinh phí cho lực lượng này được đảm bảo chi trả đầy đủ. Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh, từ giữa năm 2022, mọi chi phí liên quan đến quyết toán các khoản này đã làm xong, đảm bảo tốt nhất công tác hậu cần để các nhân viên y tế yên tâm công tác. Sở Y tế cũng đảm bảo các chế độ học tập, nâng cao trình độ chuyên môn cho các y bác sĩ đang công tác tại các đơn vị y tế công lập trên toàn tỉnh. Đối với vật tư y tế chống dịch COVID-19, tất cả được tỉnh Khánh Hòa đảm bảo đầy đủ với lượng dự trữ lớn.
"Quy luật chung của bệnh truyền nhiễm nếu nắm rõ và hiểu được cách thức của nó, chúng ta sẽ có các phương án đối phó hiệu quả. Tỉnh Khánh Hòa cũng đã có nhiều đợt dịch như sốt xuất huyết lớn, đến bây giờ là dịch COVID-19. Thế nên, để ứng phó với các dịch truyền nhiễm khác trong tương lai, việc nâng cao chất lượng đào tạo cho ngành y là rất quan trọng, cùng với đó là đảm bảo cơ sở, thuốc men điều trị và đặc biệt quan trọng nhất là vaccine", ông Bùi Xuân Minh, Giám đốc Sở Y tế nhìn nhận.
Suốt từ đầu năm 2022 đến nay, dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, tỉnh Khánh Hòa nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế với nhiều chương trình, quyết sách, hành động lớn. Đầu tiên phải kể đến Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tiếp đến là các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã làm kim chỉ nam hành động cho tỉnh. Một số đề án đã nghiên cứu và xây dựng, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến: Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa; Đề án xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa xã hội trên biển của cả nước; Đề án thành lập trung tâm nghiên cứu quốc gia về công nghệ đại dương và Đề án giảm nghèo đối với huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh giai đoạn 2021-2025.
Đến nay, tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Khánh Hòa đã đạt được một số kết quả tích cực, tạo cơ sở để Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Khánh Hòa quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mà Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra. Về chỉ tiêu kinh tế, tổng sản phẩm GRDP của tỉnh ước đạt 20,7% so với năm trước, GRDP đầu người đạt 76,9 triệu đồng, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt trên 61 ngàn tỷ đồng, tăng 15% so với năm 2021. Về xã hội, mức giảm nghèo ước đạt 0,33%...
Và rất nhiều chính sách, dự án thu hút đầu tư, dự kiến khi được đưa vào thực hiện sẽ góp phần thay đổi diện mạo cho tỉnh Khánh Hòa, đưa tỉnh trở thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030. Do đó, công tác phòng, chống dịch COVID-19 vẫn là nhiệm vụ trọng tâm, không thể lơ là của toàn hệ thống chính trị tỉnh nhà.