Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển cho rằng, so với yêu cầu, nhiệm vụ đề ra, nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ của Hải Dương đạt thấp, đặc biệt là chỉ tiêu về thu ngân sách nhà nước, đã giảm nhiều so với cùng kỳ năm trước; hoạt động, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân còn gặp nhiều khó khăn, một số doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động, như: hoạt động kinh doanh vận tải, du lịch, khách sạn, ăn uống...; đời sống, việc làm của một bộ phận nhỏ người dân bị ảnh hưởng nhiều do tác động của đại dịch COVID-19. Một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự vào cuộc quyết liệt; chưa chủ động tham mưu, đề xuất và đề ra các biện pháp, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trong thời gian tới, để tập trung phát triển kinh tế, xã hội, lãnh đạo tỉnh Hải Dương chỉ đạo chính quyền các địa phương, các cơ quan chức năng thường xuyên theo dõi, nắm bắt kịp thời tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, kịp thời tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, đặc biệt đối với những ngành ảnh hưởng lớn do dịch COVID-19. Đồng thời, thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp như chính sách vay vốn, gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Các địa phương, các cơ quan chức năng chỉ đạo, đôn đốc các chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân tập trung vốn vào các ngành, lĩnh vực ưu tiên, thực hiện các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại và phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 - 2020; tập trung xúc tiến thương mại các nhóm hàng chế biến nông sản thực phẩm và sản phẩm công nghiệp nông thôn, làng nghề, quan tâm phát triển thị trường tiêu thụ trong nước.
Hải Dương cũng sẽ thường xuyên cập nhật thông tin thị trường Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ…; nắm sát nhu cầu, hỗ trợ cung cấp thông tin và dự báo giá cả hàng hóa để giúp các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh nắm bắt nhanh diễn biến thị trường, từ đó điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp. Cùng với đó, tỉnh đôn đốc đẩy nhanh hoàn thành quy hoạch, đầu tư hạ tầng một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp và tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Hải Dương, 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP theo giá năm 2010) chỉ đạt chỉ đạt 2,86%, thấp hơn nhiều so với kế hoạch (8,5% trở lên). Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 7.200 tỷ đồng, giảm 26,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến hết tháng 5/2020, thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh đạt 201,7 triệu USD, giảm 49% so với cùng kỳ năm 2019. Số doanh nghiệp thành lập mới cũng giảm 11,4% so với cùng kỳ trong khi số doanh nghiệp đăng ký giải thể tăng 21,3%.
Về công tác công tác xây dựng Đảng, chính quyền và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị- xã hội, 6 tháng đầu năm, cấp ủy các cấp đã chủ động triển khai, quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Đến nay, Hải Dương đã cơ bản tổ chức xong đại hội cấp cơ sở và có 3 đơn vị cấp trên cơ sở đã tổ chức đại hội.
Các đại hội đã bám sát yêu cầu của Bộ Chính trị, việc tổ chức đại hội bảo đảm đúng nguyên tắc quy định, thực sự là đợt sinh hoạt chính trị trong Đảng bộ. “Tuy nhiên, thời gian qua, việc nắm, phản ánh tình hình, tư tưởng và những vấn đề bức xúc, kiến nghị của nhân dân có nơi, có lúc chưa đầy đủ và kịp thời. Việc chỉ đạo, tổ chức đại hội ở một số cơ sở chưa thực sự đổi mới. Công tác đánh giá, phân loại tổ chức đảng, đảng viên ở một số nơi chưa sát với kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao”, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển nhấn mạnh.