Nhiều diện tích tiêu ở Bà Rịa - Vũng Tàu mất mùa

Thời điểm này, đi về các vùng trồng hồ tiêu lớn của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu như Châu Đức, Xuyên Mộc… nhiều vườn tiêu lại đang rơi vào cảnh mất mùa, trong khi đến nay thị trường tiêu vẫn không có dấu hiệu khởi sắc, giá tiêu tuy có nhích lên đôi chút nhưng vẫn tiếp tục ở mức thấp, chỉ từ 55.000-57.000 nghìn đồng/kg.

Mất mùa - rớt giá khiến nông dân trồng tiêu lại rơi vào cảnh nguy cơ thất thu nặng nề ở niên vụ 2020-2021 này.

Theo đó, các vườn tiêu trên địa bàn tỉnh đang trong thời điểm nuôi trái nhưng tỷ lệ hạt tiêu trên các gié rất thấp, chỉ lác đác, thưa thớt trên cây. Tại huyện Xuyên Mộc - vùng trồng tiêu lớn của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nhiều vườn tiêu ra lá xum xuê, xanh tốt, nhưng tỷ lệ đậu trái rất thưa thớt.

Một điều bất thường là vụ tiêu năm nay có tình trạng tiêu ra hoa đợt 2 trong 1 vụ, điều này khiến cây tiêu suy yếu vì phải tiếp tục nuôi hoa trong khi đang phải nuôi trái; trong khi đó, hoa tiêu đợt này nếu đậu trái cũng sẽ bị lép. Chính vì vậy, nông dân buộc phải thuê nhân công lặt bỏ hoa ra đợt 2 này, làm tăng thêm chi phí.

Ông Phan Huy Duẩn, ở ấp 2, xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc hiện đang trồng 6.000m2 diện tích tiêu. Hai năm trở lại đây, vườn tiêu của ông liên tục mất mùa; nếu như những năm trước ông thu hoạch được khoảng 4 tấn tiêu thì vụ tiêu năm nay ước chỉ khoảng gần 2 tấn. Nhiều năm liên tục giá tiêu ở mức thấp, cùng với ảnh hưởng của thời tiết nên ông Duẩn cũng như các nhà vườn trồng tiêu khác giảm đầu tư chăm sóc, vì vậy tỷ lệ tiêu đậu trái không nhiều, dẫn đến tình trạng mất mùa.

Ông Phan Huy Duẩn, nông dân trồng tiêu ở xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc cho biết, thời điểm tiêu bắt đầu ra hoa nhưng do thời tiết không thuận lợi nắng, khô hạn nên tiêu đậu trái lưa thưa, ít hạt, năng suất chỉ đạt có 60% so với mọi năm. Trong khi đó, giá tiêu lại quá thấp nên bà con nông dân không mặn mà nhiều với cây tiêu nữa, chính vì vậy chi phí đầu tư, chăm sóc cũng không được nhiều, khiến cây tiêu càng thất mùa hơn.

Ông Đỗ Long Mạc, nông dân xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc cũng có 8 sào tiêu khoảng 12 năm tuổi, nếu như mọi năm cho thu hoạch gần 7 tấn thì năm nay ước vụ tiêu chỉ cho thu chưa đầy 5 tấn. Theo ông Mạc, nguyên nhân là do thay đổi của thời tiết, cùng với việc gia đình ông đã không còn vốn để đầu tư chăm bón nên cây tiêu không cho năng suất cao.

Nếu như vụ tiêu năm ngoái, gia đình chị Nguyễn Thị Hạnh, ở thôn Tân Hưng, xã Bàu Chinh, huyện Châu Đức có 2ha đất trồng tiêu, nay, diện tích tiêu đã giảm chỉ còn hơn 1,3ha do tiêu nhiễm bệnh chết nhanh chết chậm buộc chị Hạnh phải phá bỏ, phần diện tích còn lại được chị Hạnh chuyển sang trồng sầu riêng và một số cây trồng xen khác.

Từ năm 2017 đến nay, năng suất vườn tiêu của chị Hạnh cứ giảm dần, theo ước tính của chị Hạnh, vụ tiêu này với 1,3ha tiêu chỉ cho gần 2 tấn thay vì 4 tấn như vụ trước. Nguyên nhân khiến năng suất vụ tiêu giảm, được chị Hạnh cho rằng phần vì thời tiết, phần vì giá tiêu những năm qua quá thấp nên chị cũng như nhiều hộ trồng tiêu khác gần như bỏ bê, không có tiền để đầu tư, chăm sóc nữa.

Có một thực tế là khi giá tiêu ở mức cao thì người nông dân ồ ạt phá bỏ các vườn cây khác để chuyển qua trồng tiêu, khiến diện tích tiêu của Bà Rịa-Vũng Tàu tăng lên nhanh chóng, có thời điểm lên đến khoảng 13.000ha. Sau khi cây tiêu rớt giá xuống thấp thì người dân lại bỏ bê, ồ ạt phá bỏ để chuyển trồng qua các loại cây ăn trái.

Thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nếu như vào thời điểm cách đây 5-6 năm, giá tiêu ở mức cao, người dân trên địa bàn tỉnh ồ ạt tăng diện tích loại cây trồng này, thì nay khi giá giảm mạnh, nhiều diện tích tiêu bị nhiễm bệnh và chết đã khiến diện tích tiêu của tỉnh cũng giảm theo.

Hiện, toàn tỉnh chỉ còn trên 11.300ha, giảm gần 2.000ha so với cùng kỳ năm 2019; tổng sản lượng tiêu thu hoạch ước đạt trên 19.340 tấn, bằng 91,7% so với kế hoạch, giảm 1.754 tấn so cùng kỳ năm ngoái.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, hiện nay, phần lớn sản lượng tiêu của Việt Nam đều xuất bán ra thị trường nước ngoài. Trước sự cạnh tranh gay gắt về chất lượng từ các nước như Brazil, Malaysia, Indonesia… thì muốn phát triển được, hồ tiêu của Việt Nam cần phải xây dựng được thương hiệu, từng bước hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ và chuyển dần sang chế biến sâu.

Trên thực tế, ngoài làm gia vị, hạt tiêu được sử dụng nhiều để làm nguyên liệu cho các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, mỹ phẩm, y dược; khai thác được phân khúc tiêu thụ này, có thể giải quyết được bài toán nan giải về phát triển bền vững cây hồ tiêu.

Về lâu về dài, nếu không hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ và chế biến thì người nông dân vẫn sẽ mãi phải theo đuổi với điệp khúc được mùa - mất giá và ngược lại.

Hoàng Nhị (TTXVN)
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả trên đất trồng tiêu
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả trên đất trồng tiêu

Nhiều hộ trồng tiêu ở huyện Đức Linh, Bình Thuận, đã và đang chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đem lại hiệu quả kinh tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN