Có mặt tại vườn tiêu của ông Hoàng Hồng Sơn, thôn An Cổ, xã Vĩnh Thạch, nhìn vườn tiêu xác xơ, những gốc tiêu bị chết khô trơ trọi chỉ còn lại trụ tiêu. Đối với những gốc tiêu còn sống thì lá cũng đang vàng úa, rụng dần.
Ông Sơn tâm sự, gia đình ông trồng 2.000 gốc tiêu, thế nhưng do hạn hán kéo dài không đủ nước để tưới nên tiêu đã chết hơn 300 gốc, số còn lại phần lớn đang bị vàng lá và có nguy cơ chết nếu thời gian tới vẫn không có mưa.
Bên cạnh đó, giá cả bấp bênh ngày càng xuống thấp, vào năm 2015-2016 tiêu khô được thương lái thu mua tại vườn với giá từ 240.000 - 250.000 đồng/kg, thì bây giờ chỉ còn lại 47.000/kg. Trong khi đó, hạn hán khiến sản lượng rơi xuống thấp chưa đến 1/3 so với trước kia. Hiện tại, gia đình ông không biết có duy trì được diện tích tiêu này hay không...
Cùng chung hoàn cảnh với ông Sơn, vườn tiêu của gia đình ông Nguyễn Quang Tiêm, xóm Bợc, xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh cũng đang ở trong tình trạng “trồng thì khó mà bỏ thì không xong”. Từ lâu cây tiêu là loại cây mang lại thu nhập chính đối với gia đình ông nói riêng và người dân vùng đất đỏ bazan ở Vĩnh Linh nói chung.
Ông Tiêm cho biết, trước kia 1 ha tiêu mang lại thu nhập cho gia đình ông từ 130 - 150 triệu đồng/năm, thế nhưng hiện nay hạn hán kéo dài, không đủ nước tưới cho cây tiêu nên hầu hết diện tích này bị vàng lá và rụng dần, số còn lại bị bệnh và chết. Bên cạnh đó, giá cả rơi xuống thấp và mất mùa khiến thu nhập từ vườn tiêu này chỉ còn khoảng 40 - 50 triệu đồng/năm so với trước kia. Bây giờ tiêu chết, gia đình không biết có nên tái đầu tư trồng lại hay chuyển đổi sang loại cây khác…
Vĩnh Linh là một trong những huyện có diện tích trồng tiêu lớn nhất tỉnh Quảng Trị, xác định đây là một loại cây chủ lực trong phát triển kinh tế trong những năm qua huyện đã ưu tiên triển khai cho người dân phát triển trồng tiêu. Toàn huyện hiện có 1.100 ha tiêu thì riêng trong vụ Hè Thu 2019, nhưng đã có trên 800 ha tiêu đang và đã bị thiệt hại do hạn hán kéo dài.
Ông Diệp Hồng Cương, Phó Phòng Nông nghiệp huyện Vĩnh Linh cho biết, hạn hán kéo dài đã ảnh hưởng rất lớn đến diện tích tiêu trên địa bàn huyện, nhiều diện tích không còn nước để tưới do mạch nước ngầm đã cạn kiệt. Trước tình hình trên, Phòng Nông nghiệp huyện đã tổ chức các buổi tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn người dân tưới nước tiết kiệm đúng cách để duy trì và bảo vệ vườn tiêu. Đồng thời, có giải pháp hỗ trợ người dân trong việc bơm tưới, nhưng do hạn hán kéo dài nên việc hỗ trợ của huyện và nguồn nước tưới của người dân không đáp ứng yêu cầu thực tế…
Tỉnh Quảng Trị hiện có 2.500 ha cây hồ tiêu; trong đó, có khoảng 1.144 ha bị ảnh hưởng và thiệt hại do khô hạn; đặc biệt, trong đó, có 144 ha bị thiệt hại nặng tập trung ở các huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ… Cùng với đó, dịch bệnh trên tiêu hiện diễn biến phức tạp với các loại bệnh như: chết nhanh, chết chậm, bệnh tuyến trùng… đang phát triển khiến cho cây hồ tiêu bị vàng lá và chết.
Ngoài ra, do tập quán canh tác của người dân mang tính nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết với thị trường chính vì vậy đầu ra không được ổn định, giá cả thấp và rất bấp bênh. Đặc biệt, riêng trong các năm 2018 và 2019 giá cả tiêu đã ở mức chạm đáy chỉ còn khoảng từ 50.000 - 60.000 đồng/kg khiến người trồng tiêu “ngán ngẩm”.
Bà Nguyễn Hồng Phương, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị cho biết, do tình hình thời tiết và giá cả nên hiện người trồng hồ tiêu tại địa bàn tỉnh Quảng Trị gặp rất nhiều khó khăn. Để tiếp tục duy trì diện tích hồ tiêu hiện tại, nông dân rất cần được sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng.
Về lâu dài, tỉnh cần quan tâm tạo điều kiện xây dựng các công trình thuỷ lợi, đảm bảo nước tưới. Riêng về giá cả hồ tiêu những năm gần đây rất bấp bênh, vì vậy cần thành lập các hợp tác xã, các tổ hợp tác để tiến hành xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho hồ tiêu. Khi xây dựng thương hiệu thành công, các sản phẩm này sẽ được bán trực tiếp cho thị trường thì giá cả sẽ được đảm bảo và ổn định lâu dài.
Trong thời gian qua, tỉnh Quảng Trị cũng đã triển khai trồng hơn 150 ha tiêu theo công nghệ hữu cơ và áp dụng tưới nhỏ giọt. Với những mô hình trên, đầu ra và giá cả rất ổn định mà lại không phải chịu nhiều ảnh hưởng do biến đổi khí hậu. “Nếu tập trung thực hiện thì đây sẽ là một hướng đi mới, để giúp người nông dân trồng tiêu sản xuất bền vững trên chính mảnh vườn của mình”, bà Phương cho biết.