Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh không khuyến khích nông dân mở rộng diện tích cây tiêu. Cơ quan này chỉ hướng dẫn nông dân tập trung áp dụng kỹ thuật thâm canh trên diện tích tiêu hiện có để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hạn chế thiệt hại do sâu bệnh.
Tại một số thời điểm giá tiêu tăng cao, nông dân các địa phương ồ ạt phát triển mạnh cây tiêu trồng xen trên các vườn cây công nghiệp, cây ăn quả dẫn đến diện tích tiêu của tỉnh tăng mạnh từ năm 2013 đến nay.
Chỉ tính riêng năm 2018, diện tích tiêu tại địa bàn tăng lên 143 ha so với năm 2017, nâng tổng số diện tích hồ tiêu toàn tỉnh lên trên 2.189 ha. Cây tiêu được trồng rải rác tại 10 huyện thành phố của tỉnh; trong đó, trồng nhiều tại các huyện Lâm Hà, Di Linh, Đức Trọng và phát triển thêm tại các huyện Cái Tiên, Đạ Tẻh, Đạ Huoai, Bảo Lâm.
Tại Lâm Hà, dù hồ tiêu đã đến vụ thu hoạch từ trước tết Nguyên đán nhưng do giá thấp nên nông dân không chăm sóc, thu hoạch hoặc chuyển một phần diện tích sang cây trồng khác.
Gia đình ông Hoàng Văn Phụng, thôn Tân Tiến, xã Tân Văn, huyện Lâm Hà có gần 200 trụ tiêu trồng từ năm 2014 đang vào mùa chín rộ nhưng gia đình không quan tâm đến việc thu hoạch. Ông Phụng cho biết, năm nay, giá hồ tiêu tiếp tục giảm xuống thấp chỉ còn khoảng từ 45.000 – 50.000 đồng/kg. Vì vậy, gia đình không đầu tư chăm sóc vườn tiêu, dù trái chín đã hơn 1 tháng nhưng chưa thu hoạch.
Theo nhiều người dân, giá hồ tiêu liên tục xuống thấp trong khi giá thuê lao động thu hái cao từ 180.000 – 200.000 đồng/người/ngày nên người dân không thuê lao động mà gia đình tự hái. Trong khi đó, cây hồ tiêu đòi hỏi chi phí đầu tư cao, với mức đầu tư này, nông dân sẽ không có lãi.
Bên cạnh tình trạng “mất giá” nông dân đối mặt với dịch bệnh khiến tiêu chết nhanh, hiện toàn tỉnh có trên 200 ha tiêu bị nhiễm bệnh. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, nguyên nhân hồ tiêu chết là do cây tiêu canh tác ở điều kiện đất đai không phù hợp như: đất có mực nước ngầm cao, thoát nước kém; hồ tiêu trồng xen trên vườn cà phê có nhiễm bệnh vàng lá, thối rễ do nấm và tuyến trùng. Nông dân chưa chú trọng tiêu thoát nước cho vườn tiêu.
Ngoài ra, giá tiêu thấp nên nông dân không đầu tư chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh khiến bệnh lây lan và dẫn đến tiêu chết.