Nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Sử dụng các loại nông sản sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng đang là xu hướng của người tiêu dùng, nắm bắt được nhu cầu trên, những năm gần đây nhiều hộ dân, doanh nghiệp, hợp tác xã tại Nam Định đã đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ theo hướng liên kết mang lại hiệu quả cao, giúp tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích.

Chú thích ảnh
Liên kết sản xuất các giống lúa đặc sản như Bắc thơm số 7, ST24 theo chuẩn VietGAP giữa Hợp tác xã Đại Đoàn Kết (xã Tam Thanh, huyện Vụ Bản) và Công ty TNHH Toản Xuân. Ảnh tư liệu: Nguyễn Lành/TTXVN

Hiệu quả sử dụng

Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Bắc Cường, xã Yên Cường, huyện Ý Yên là đơn vị đi đầu tại Nam Định trong sản xuất, kinh doanh phân bón hữu cơ làm từ các phế phẩm nông nghiệp như phân trâu, bò, lợn và các loại vỏ lạc, vỏ trấu. Hiện tại, hợp tác xã có 7 bể ủ phân bón hữu cơ theo phương pháp hiếu khí, đạt gần 100 tấn/năm.

Ông Ngô Minh Đức, Giám đốc Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Bắc Cường cho biết, từ năm 2017 với sự hỗ trợ và chuyển giao công nghệ từ các chuyên gia nông nghiệp tỉnh Miyazaky (Nhật Bản), hợp tác xã đã làm chủ được công nghệ sản xuất phân hữu cơ. Hiện nay ngoài cung cấp phân bón hữu cơ cho các xã viên, hợp tác xã còn cung cấp cho nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ trên địa bàn huyện và các địa phương lân cận.

Xã Yên Cường là địa phương chuyên canh tác rau màu lớn nhất huyện Ý Yên với khoảng 500ha đất trồng màu, những năm gần đây người dân đang chuyển dần từ phân bón vô cơ sang hữu cơ, hoặc sử dụng kết hợp để giúp đất trồng tơi xốp, sản xuất ra được nguồn rau sạch, an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, bán được với giá cao hơn.

Theo bà Nguyễn Thị Tâm, người dân xã Yên Cường, gia đình có hơn 600m2 trồng các loại rau ngắn ngày gồm cải xanh, cải ngọt, rau muống, rau ngót… được sự hướng dẫn của hợp tác xã, khoảng 2 năm nay gia đình đã sử dụng phân hữu cơ để bón cho rau. Ưu điểm của loại phân này là cây rau xanh, khoẻ, ít sâu bệnh, giá bán cũng cao hơn, được các thương lái đến thu mua tận ruộng.

Tại Nam Định, Công ty TNHH Toản Xuân, xã Yên Lương, huyện Ý Yên là đơn vị đi đầu trong xuất khẩu gạo sang thị trường Nhật Bản, để sản xuất được các sản phẩm gạo sạch đáp ứng nhu cầu thị trường khó tính này, công ty đã chú trọng vào quy trình trồng, chăm sóc lúa theo hướng hữu cơ, đồng thời ký hợp đồng với các công ty sữa tại Việt Nam thu mua phân bò, kết hợp với lượng vỏ trấu từ chế biến gạo của công ty để sản xuất phân hữu cơ.

Theo ông Trần Quốc Toản, Giám đốc Công ty TNHH Toản Xuân, hiện tại, công ty đang ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm lúa gạo cho khoảng 900ha lúa tại các huyện Ý Yên, Nam Trực, Vụ Bản… Vụ xuân năm 2024 đã có tới 80% diện tích lúa được sử dụng phân hữu cơ, canh tác theo hướng hữu cơ nên chất lượng gạo được nâng lên, đảm bảo các yếu tố an toàn thực phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Với những hiệu quả trong sản xuất, ngày càng có nhiều doanh nghiệp, hộ nông dân, hợp tác xã nông nghiệp tại Nam Định chuyển sang sử dụng phân hữu cơ để nâng cao hiệu quả sản xuất. Hiện nay, tỉnh Nam Định đã có khoảng 900ha diện tích nông nghiệp sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP như: mô hình nuôi lợn an toàn sinh học của trang trại Hiền Thục, huyện Trực Ninh; mô hình sản xuất lúa chất lượng cao tại các xã Nghĩa Lâm, Nghĩa Bình thuộc huyện Nghĩa Hưng; mô hình sản xuất lúa chất lượng cao và rau màu sử dụng phân bón hữu cơ của Công ty TNHH Toản Xuân, huyện Ý Yên; mô hình sản xuất rau màu của Hợp tác xã Trường Xuân, huyện Giao Thuỷ...

Khuyến khích phát triển

Chú thích ảnh
Sản xuất rau theo hướng hữu cơ tại Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ đa ngành nghề Yên Mỹ (xã Yên Mỹ, huyện Ý Yên). Ảnh tư liệu: Nguyễn Lành/TTXVN

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định, việc phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ không chỉ giúp bảo vệ môi trường, tăng thu nhập trên cùng đơn vị canh tác mà còn giúp giảm tỷ lệ bỏ hoang đồng ruộng. Vụ Xuân năm 2024, diện tích ruộng bị bỏ hoang trong toàn tỉnh đã giảm 529ha so với cùng kỳ năm 2023, điển hình như huyện Ý Yên giảm khoảng 230ha, huyện Nghĩa Hưng giảm 81ha, huyện Vụ Bản giảm 76ha, huyện Trực Ninh giảm 59ha…

Để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, tỉnh Nam Định đã ban hành Kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đặc biệt, giai đoạn 2021 - 2025 các ngành chức năng xác định vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản chủ lực của tỉnh gồm lúa chất lượng cao, rau các loại, khoai tây, ngô, lạc, cây ăn quả các loại, cây dược liệu và sản xuất muối. Định hướng đến năm 2030, duy trì, phát triển nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã xây dựng trước đó.

Tỉnh Nam Định phấn đấu có từ 30 - 40 mô hình sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ; bố trí diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt trên 2% tổng diện tích đất trồng trọt của các loại cây trồng chủ lực; tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 2 - 3% trên tổng sản phẩm chăn nuôi; diện tích nuôi thủy sản hữu cơ đạt 3 - 5% tổng diện tích nuôi trồng thủy sản; diện tích sản xuất muối hữu cơ đạt trên 50% tổng diện tích muối hiện có. Giá trị sản phẩm trên 1ha đất và nuôi trồng sản xuất hữu cơ cao gấp 1,5 - 1,8 lần so với sản xuất phi hữu cơ. 

Ông Nguyễn Văn Hữu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định cho biết, để khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ngành nông nghiệp đã xây dựng nhiều mô hình khảo nghiệm, trình diễn sử dụng các loại phân hữu cơ cho lúa, cây rau màu cho hiệu quả cao; tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo về kỹ thuật sử dụng phân hữu cơ. Đặc biệt, tỉnh Nam Định cũng đã ban hành các chính sách đặc thù nhằm thu hút đầu tư vào phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ để mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân.

Công Luật (TTXVN)
Đồng Nai đẩy mạnh xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ
Đồng Nai đẩy mạnh xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ

Nông nghiệp hữu cơ được Đồng Nai chú trọng đầu tư từ nhiều năm trước. Và gần đây, địa phương đã trở thành một trong những lá cờ đầu trong việc áp dụng chuỗi giá trị: Gắn việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ với chế biến và tiêu thụ, qua đó tạo ra hiệu quả kinh tế cao hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN