Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội; Thái Thanh Quý, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An.
Thời gian qua, việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đã tạo động lực để tỉnh Nghệ An hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Đến nay toàn tỉnh có 309/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới (bằng 75,18%), 53 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (chiếm 17,15% xã nông thôn mới), 7 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 1,39%, tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giảm 3,63%.
Tại buổi làm việc, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được trong quá trình triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Bùi Đình Long cũng nêu lên một số tồn tại, hạn chế như: Công tác chỉ đạo điều hành thực hiện ở các cấp còn chưa đồng bộ, nhất là cấp huyện, cấp xã vẫn còn nhiều lúng túng. Năng lực đội ngũ cán bộ cấp huyện, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi còn bất cập, hạn chế. Tỷ lệ giải ngân các Chương trình mục tiêu quốc gia còn thấp, nhất là vốn sự nghiệp. Kế hoạch vốn sự nghiệp giao muộn, việc đề xuất nguồn vốn chưa thực sự bám sát tình hình thực tế tại các địa phương. Vốn đầu tư phát triển có sự chênh lệch về tỷ lệ giải ngân giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia...
Tỉnh Nghệ An cũng nêu một số kiến nghị như: Các Bộ, ngành, đơn vị Trung ương xem xét, điều chỉnh các định mức hỗ trợ tại tại khoản 4, 5 và 6 Điều 3 Quyết định số 04/2023/QĐ-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ theo hướng nâng cao định mức bình quân trên từng loại công trình hoặc giao quyền cho các địa phương quy định định mức để phù hợp với điều kiện thực tế; bổ sung đối tượng hộ gia đình, cộng đồng thôn (bản) đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực 1 được hưởng chính sách giao khoán, hỗ trợ bảo vệ rừng; hỗ trợ chi phí đi lại từ nơi đăng ký hộ khẩu thường trú đến địa điểm đào tạo cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; cho phép các địa phương được bố trí vốn ngân sách Trung ương từ Chương trình mục tiêu quốc gia để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản của các dự án; quy định về người lao động có thu nhập thấp…
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương ghi nhận, với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, tỉnh Nghệ An đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận về phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo. Đặc biệt, tỉnh đã thực hiện quan điểm phát triển phía Đông để hỗ trợ phía Tây; triển khai Chương trình xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở... Trong quá trình thực hiện, tỉnh đã kiến nghị lên Trung ương, các bộ ngành nhiều vấn đề khó khăn trong thực hiện, đề nghị sửa đổi, bổ sung. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá cao cách làm sáng tạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An từ khi ban hành văn bản đến cách thức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Đoàn giám sát chia sẻ với những khó khăn của tỉnh, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh Nghệ An chỉ đạo các cơ quan rà soát lại các số liệu, giải trình đầy đủ các nội dung mà các thành viên Đoàn giám sát đặt vấn đề; tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đánh giá thực chất để xây dựng các chủ trương tiếp theo, trong đó kết hợp với Nghị quyết số 36/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 18/7 về xây dựng, phát triển Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nhấn mạnh việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng tỉnh Nghệ An cần tiếp tục nâng cao nhận thức, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nhân dân trong tổ chức thực hiện; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo từ tỉnh xuống cơ sở với cách làm sáng tạo, phù hợp.
Để thực hiện hiệu quả ba Chương trình mục tiêu quốc gia, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tỉnh Nghệ An tiếp tục thực hiện nguyên tắc “bám trên, sát dưới”, chuẩn bị từ sớm, từ xa trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ; xác định rõ trọng tâm, trọng điểm trong tổ chức thực hiện; tập trung các nguồn lực để thực hiện. Đối với những vấn đề “chưa chín, chưa rõ” thì mạnh dạn làm thí điểm trong phạm vi thẩm quyền cho phép. Đồng thời thành lập các tổ công tác cho các chương trình, vấn đề chỉ đạo triển khai; quan điểm là huyện sẵn sàng làm thay cho xã, theo phương châm cầm tay chỉ việc để nâng cao trình độ cho cấp dưới; tăng cường kiểm tra giám sát, tránh tư tưởng tránh né, sợ sai, không dám làm…
Trước đó, ngày 25/7, Đoàn công tác đã giám sát việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia ở huyện Quế Phong và huyện Tương Dương.