Làm việc với đoàn công tác, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cho biết: Quảng Nam có 18 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có 9 huyện miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, thường xuyên đối phó với thiên tai, bão lũ, dịch bệnh. Do đó, việc triển khai để đạt được đầy đủ và bền vững các mục tiêu của các Chương trình mục tiêu quốc gia là một thách thức lớn.
Với sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự giúp đỡ, hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Quảng Nam đã tập trung chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia và bước đầu đã đạt được nhiều kết quả.
Đến nay, hệ thống cơ chế chính sách và các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình đã hoàn thành tương đối đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương triển khai thực hiện. Ngân sách tỉnh đã bố trí đầy đủ, đảm bảo tỷ lệ vốn đối ứng theo quy định và đã cơ bản phân giao kế hoạch vốn cho các địa phương từ huyện đến xã, cho các chủ đầu tư, các cơ quan chủ trì thực hiện Chương trình.
Trong từng Chương trình mục tiêu quốc gia, tỉnh Quảng Nam đã ban hành kế hoạch thực hiện 5 năm, hằng năm; trong đó đã xác định cụ thể địa bàn, đối tượng, danh mục dự án, chương trình, nội dung thực hiện.
Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện các Chương trình, hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu trong các Chương trình mục tiêu quốc gia đề ra của năm 2021, năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 đều cơ bản đảm bảo theo kế hoạch. Theo đó, hàng nghìn hộ gia đình đồng bào được hưởng lợi, được tạo sinh kế bền vững.
Đối với kế hoạch vốn năm 2022, đến 31/01/2023 giải ngân được gần trên 487 tỷ đồng/1.620 tỷ đồng, đạt 30% kế hoạch, trong đó vốn ngân sách Trung ương giải ngân được gần 325 tỷ đồng/1.234 tỷ đồng, đạt 26,31%; vốn ngân sách tỉnh giải ngân được gần 162 tỷ đồng/385 tỷ đồng, đạt gần 42%.
Đối với kế hoạch vốn năm 2023 (bao gồm cả vốn 2022 kéo dài), giải ngân đến 30/06/2023 được gần 386 tỷ đồng, đạt 11,44% kế hoạch.
Báo cáo với đoàn công tác, lãnh đạo các địa phương được hưởng lợi từ chương trình của tỉnh Quảng Nam cho biết: Tuy đã có nhiều cố gắng, nhưng việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh còn chậm so yêu cầu. Tỷ lệ giải ngân còn thấp do cuối năm 2022, Trung ương, tỉnh mới cơ bản ban hành đầy đủ các cơ chế, chính sách và quy định, hướng dẫn thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc giai đoạn 2021 - 2025. Một số văn bản hướng dẫn ban hành chậm, chưa đồng bộ, gây lúng túng cho địa phương trong thực hiện các chương trình.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đề nghị Đoàn giám sát quan tâm có ý kiến với với các bộ, ngành Trung ương sớm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc mà địa phương phản ánh với Đoàn, góp phần thực hiện thành công các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh.
Đoàn Giám sát đã ghi nhận những kết quả đạt được cũng như những kiến nghị của tỉnh Quảng Nam trong việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Đoàn đề nghị tỉnh Quảng Nam tiếp tục hoàn thiện trong công tác triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia nhằm phát huy hơn nữa kết quả đạt được, đẩy mạnh công tác giải ngân vốn. Các thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh trên cơ sở nhiệm vụ được giao tiếp tục theo dõi sát sao tình hình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh để báo cáo kịp thời các khó khăn vướng mắc về Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia để có hướng xử lý kịp thời.
Trước đó, ngày 20/7, Đoàn đã kiểm tra thực tế việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; tặng quà cho các gia đình có công với nước, gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại hai huyện Phước Sơn và Đông Giang.