Nguồn vốn này là ngân sách trung ương của các Chương trình mục tiêu quốc gia cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương; trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 183,188 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là 1.025 tỷ đồng để thực hiện Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn.
Nghị quyết của Quốc hội cũng nếu rõ, Chính phủ chỉ đạo rà soát, khẩn trương ban hành đầy đủ văn bản hướng dẫn để thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia bảo đảm đúng mục tiêu, hiệu quả.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, về thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, hiện nay UBND tỉnh Hà Giang đã trình HĐND tỉnh ban hành 23 Nghị quyết; xây dựng và ban hành theo thẩm quyền 29 Quyết định, 18 Kế hoạch, 2 Thông báo để triển khai các nhiệm vụ.
Về kết quả phân bổ và giải ngân nguồn vốn của Chương trình, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn cho biết, tổng nguồn vốn thực hiện năm 2022 - 2023 là 441.535 triệu đồng (trong đó, vốn đầu tư phát triển 372.939 triệu đồng; vốn đầu tư sự nghiệp là 68.596 triệu đồng). Hiện tỉnh Hà Giang đã phân bổ 100% kế hoạch vốn cho các địa phương, đơn vị thực hiện. Tính đến ngày 30/6/2023 đã giải ngân được 287.078 triệu đồng, đạt 65% kế hoạch, trong đó, giải ngân vốn đầu tư phát triển 266.209 triệu đồng, đạt 71,4% kế hoạch; giải ngân vốn sự nghiệp 20.869 triệu đồng, đạt 30,4% kế hoạch.
Nhìn vào thực tế triển khai ở Hà Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn cho rằng vẫn còn những khó khăn, hạn chế như kết quả thực hiện chưa đồng đều ở các địa phương, một số đơn vị tiến độ thực hiện chậm. Đặc biệt là một số dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Việc triển khai thực hiện một số chương trình, dự án, đặc biệt dự án hỗ trợ sản xuất, nhân rộng mô hình được triển khai ở các địa phương hiệu quả chưa cao…
UBND tỉnh Hà Giang kiến nghị, cần tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ, bổ sung nguồn vốn hỗ trợ để bảo đảm đủ nguồn lực phấn đấu hoàn thành mục tiêu của Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Bổ sung nguồn vốn viện trợ, các tổ chức quốc tế để đầu tư các công trình thiết yếu nhằm phục vụ cho nhân dân các xã đặc biệt khó khăn. Xem xét ban hành chính sách cho phép các hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc đối tượng hỗ trợ nhà ở từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 được vay thêm nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội để bổ sung thêm vào kinh phí xây dựng nhà ở ngoài phần ngân sách nhà nước hỗ trợ…
Tại cuộc giám sát của Quốc hội về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cho rằng, mặc dù có nhiều khó khăn song Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Giang đã chủ động, tích cực chỉ đạo, triển khai kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia. Năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo giảm theo chuẩn nghèo đa chiều 5,12% (theo Kế hoạch đặt ra là 4%). Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 5,87%...
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, đây là kết quả ấn tượng với một tỉnh đặc thù, vùng cao, núi đá, địa hình chia cắt, còn rất nhiều khó khăn như tỉnh Hà Giang.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia tại Hà Giang đã góp phần thay đổi nhận thức và sự tham gia đóng góp của nhân dân trong thực hiện các dự án, tiểu dự án của các Chương trình. Chia sẻ với những khó khăn của tỉnh Hà Giang, nhất là tỷ lệ hộ nghèo bình quân ở mức cao lên tới 38%.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tiếp thu đầy đủ ý kiến để bổ sung vào báo cáo, gửi Đoàn Giám sát, trong đó, lập danh mục các nội dung còn khó khăn, vướng mắc; các kiến nghị cụ thể đối với Chính phủ, các Bộ, ngành về từng Chương trình, các dự án, tiểu dự án cụ thể.
Đồng thời, rà soát lại các tiêu chí về nông thôn mới, nghiên cứu đề xuất với cấp có thẩm quyền điều chỉnh tiêu chí cho phù hợp với đặc điểm tình hình vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng khó khăn, vùng cao. Nghiên cứu, kiến nghị cụ thể với Chính phủ, Quốc hội cơ chế đặc thù trong việc triển khai thực hiện các Chương trình trên địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn…
Đoàn giám sát của Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao tỉnh Hà Giang đã kịp thời ban hành khá đầy đủ các văn bản hướng dẫn thực hiện các Chương trình, gắn với điều kiện thực tiễn của địa phương. Công tác lập kế hoạch vốn, phân bổ và giao kế hoạch vốn trung hạn 2021 - 2025 và vốn năm 2022 được thực hiện kịp thời, đồng bộ và khớp đúng với số giao kế hoạch của Trung ương; công tác lồng ghép các nguồn vốn của các Chương trình được quan tâm chỉ đạo…
Để tiếp tục triển khai các Chương trình hiệu quả hơn, Đoàn giám sát của Quốc hội đề nghị, Hà Giang cần tích cực rà soát các văn bản, làm rõ hơn nữa các kết quả triển khai trong thực tiễn, các khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị. Rà soát danh mục dự án đầu tư, có cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện. Tiếp tục rà soát, đối chiếu làm rõ kết quả, hạn chế trong việc phân bổ, giải ngân từng tiểu dự án, dự án; phối hợp chặt chẽ với các ngành cùng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc từ các văn bản hướng dẫn thực hiện các dự án, tiểu dự án.