Người dân thành phố Tam Kỳ mong các cơ quan chức năng sớm có những giải pháp đồng bộ, giải quyết tình trạng ngập lụt kéo dài.
Đợt mưa lớn vào cuối tháng 10 vừa qua đã khiến nhiều khu vực tại thành phố Tam Kỳ ngập sâu trong nước, có nơi ngập gần 2m. Dù không nằm trong vùng “rốn lũ” như các địa phương ở hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn, nhưng 3 năm trở lại đây, người dân thành phố Tam Kỳ phải sống chung với ngập lụt.
Hơn nửa đời người gắn bó với vùng đất cát xã Tam Thăng, ông Mai Tấn Cảm, thôn Xuân Quý, xã Tam Thăng, nhớ lại trận lũ lịch sử năm 1999, nước nhấn chìm nhiều nhà cửa, làng mạc. Gần 20 năm sau đó, chưa bao giờ, người dân Tam Thăng chứng kiến cảnh tượng tương tự, cho đến trận lụt bất thường vào năm 2018, nhiều ngôi nhà tại thôn Xuân Quý ngập sâu. Đa số các hộ dân tại đây đã liên tục nâng cao nền nhà nhưng nước lũ vẫn tràn vào sau một trận mưa kéo dài. Tình trạng ngập lụt kéo dài nhiều tháng liền trong năm, khiến cuộc sống của hàng trăm hộ dân thôn Xuân Quý bị đảo lộn.
Nhiều ý kiến của người dân ở xã Tam Thăng cho rằng, từ khi có tuyến đê bao sông Tam Kỳ dọc theo thành phố, cứ mưa xuống là nước ngập chứ trước đó là không có. Nước làm trôi hết lớp đất bùn còn lại đất cứng sau mưa lũ người dân không thể trồng trọt được. Thậm chí đất bùn còn trôi cả lên đường nhựa và vào nhà dân gây ô nhiễm môi trường.
Không riêng xã Tam Thăng, người dân ở nhiều xã, phường của thành phố Tam Kỳ cũng khổ sở vì ngập lụt. Những năm gần đây, mưa lớn thường kéo dài cộng với thủy triều lên và hồ thủy lợi Phú Ninh xả lũ điều tiết dẫn tới tình trạng cả thành phố Tam Kỳ ngập sâu trong nước. Tình trạng này còn xuất phát từ những bất cập trong quy hoạch đô thị và xây dựng các công trình hạ tầng. Nhiều ý kiến cho rằng, từ khi tỉnh Quảng Nam xây dựng tuyến đê bao sông Tam Kỳ và các con đường cao rộng ven biển đã cản trở dòng thoát lũ.
Trong khi đó, hạ tầng khớp nối giữa các kênh thoát lũ chưa đồng bộ. Một số hạ tầng thoát nước tại Tam Kỳ được xây dựng từ những năm 1997, với quy mô cống hộp nhỏ nay đã xuống cấp trầm trọng, năng lực thoát lũ kém, việc khớp nối hạ tầng giữa các khu dân cư chưa thông suốt.
Bà Huỳnh Thị Thủy, khối phố Mỹ Thạch Trung, phường Hòa Thuận, thành phố Tam Kỳ chia sẻ, gia đình bà ở khu dân cư này đây hơn 10 năm, khu đất rất cao ngay cạnh UBND tỉnh Quảng Nam nhưng hàng năm cứ vào mùa mưa lũ là nước dâng lên không thoát kịp, khiến cho cả khu dân cư ngập trong biển nước. Đặc biệt là mấy năm trở lại đây nước lên hàng mét tràn vào nhà dân đi lại sinh hoạt khó khăn làm đảo lộn cuộc sống…
Trước những bức xúc của người dân, trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Bùi Ngọc Ảnh, Chủ tịch UBND thành phố Tam Kỳ cho biết, năm 2015, thành phố mới hoàn thiện được quy hoạch tổng thể, trước đó, việc quản lý quy hoạch có nhiều bất cập. Dự án triển khai sau thường có cốt nền cao hơn dự án trước, tạo ra nhiều điểm nghẽn về thoát nước. Hiện nay, tuyến sông Bàn Thạch chảy qua địa phận Tam Kỳ có 5 cây cầu và tuyến đường bắt qua, nhiều vị trí đắp cao từ 2m đến 5m, tạo thành tuyến đê cản dòng nước chảy. Ông Bùi Ngọc Ảnh thừa nhận một số công trình hạ tầng xây dựng những năm gần đây chưa tính toán kỹ về khẩu độ và lưu vực thoát lũ.
Theo giải thích của Chủ tịch UBND thành phố Tam Kỳ, trước đây, khi chưa có các tuyến đường, các cây cầu này, thoát lũ theo lưu vực, tức là nước chảy tràn tự do từ khu vực này đến khu vực khác. Các tuyến đường và các cây cầu này được xây dựng dẫn đến việc cản trở dòng chảy, buộc nước lũ phải chảy vào các dòng sông. Quan điểm sắp đến của thành phố Tam Kỳ là sẽ tiếp tục đầu tư nhiều cây cầu để kết nối với vùng Đông, tuy nhiên phải hướng đến những cây cầu dành cho thoát nước và những tuyến đường chấp nhận ngập lụt để có không gian thoát nước chứ đừng xây cao để nó như một tuyến đê.
Việc đô thị của thành phố Tam Kỳ, tỉnh lỵ của Quảng Nam bị ngập sâu bất thường những năm gần đây cho thấy những bất cập trong quá trình quy hoạch và phát triển đô thị. Thực trạng hiện nay rất nhiều địa phương chưa có sự quan tâm cần thiết đối với vấn đề thoát nước tại các đô thị. Việc lồng ghép các giải pháp phòng, chống thiên tai trong quá trình quy hoạch đô thị chưa được thực hiện tốt.
Theo ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, tỉnh đã và đang phối hợp các nhóm nghiên cứu chuyên môn đánh giá tổng thể và toàn diện về tình trạng ngập lụt tại thành phố Tam Kỳ. Trong quá trình hoàn thiện quy hoạch chung của tỉnh và quy hoạch vùng Đông, địa phương sẽ điều chỉnh, tính toán các giải pháp trước mắt và lâu dài để khắc phục tình trạng ngập lụt tại các đô thị.
Trong việc ngập úng có phần tác động của các công trình giao thông, những vấn đề này cần được nhận diện và khẩn trương đánh giá lại tổng thể quy hoạch. Trong quá trình lập quy hoạch, tỉnh sẽ rà soát, đánh giá lai các công trình giao thông trọng yếu trên địa bàn, đặc biệt là những công trình gây cản trở dòng chảy, những công trình giao thông xây dựng ở vùng thấp trũng hoặc các công trình dân cư, đô thị có nguy cơ gây cản trở dòng chảy, gây nên ngập úng phải xem xét một cách cẩn trọng, điều chỉnh cho phù hợp.