Cùng với việc nâng cao nhận thức của người dân trong phòng chống cháy rừng, việc trang bị hệ thống camera (360 độ) giám sát, cảnh báo cháy rừng tại một số địa phương trên địa bàn huyện Nghi Lộc (Nghệ An) đang mang lại hiệu quả cao, cần được nhân rộng.
Hiệu quả từ hệ thống camera giám sát, cảnh báo cháy rừng
Theo chân các cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Nghi Lộc, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có mặt tại chòi lắp đặt hệ thống camera giám sát cảnh báo cháy rừng tại xã Nghi Đồng, huyện Nghi Lộc. Hệ thống camera được lắp đặt trên chòi cao khoảng 13m, có thể ghi lại hình ảnh trong bán kính 8 – 10 km, hình ảnh ghi lại rất rõ nét và được kết nối qua điện thoại, rất tiện ích trong việc theo dõi, phát hiện các điểm phát lửa.
Ông Trần Hoàng Hải - Đội trưởng Đội Lâm nghiệp Nghi Đồng cho biết: Trước đây, khi chưa lắp đặt hệ thống camera, dù thời tiết nắng nóng nhưng các cán bộ trong Đội vẫn thay phiên nhau đứng túc trực trên chòi cao, quan sát bằng mắt thường để giám sát lửa rừng, phòng chống cháy rừng. Hình thức này mất rất nhiều thời gian, sức lực và hiệu quả mang lại không cao.
Từ đầu năm 2020, khi lắp đặt hệ thống camera, việc theo dõi, giám sát, cảnh báo cháy rừng phát huy hiệu quả. Các cán bộ Đội Lâm nghiệp Nghi Đồng chỉ cần quan sát hình ảnh trên điện thoại đã bao quát toàn bộ rừng trong khu vực quản lý, khi phát hiện điểm phát lửa thì nhanh chóng có mặt, kịp thời dập tắt. Theo thời gian quy định, các cán bộ trong Đội sẽ kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống camera được lắp đặt trên chòi.
Ông Trần Văn Trường - Phó Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Nghi Lộc cho biết, tại huyện Nghi Lộc có 4/10 địa phương có rừng đã lắp đặt hệ thống camera gồm các xã Nghi Yên, Nghi Đồng, Nghi Lâm và Nghi Văn; chi phí lắp đặt một hệ thống camera giám sát cảnh báo cháy rừng là trên 150 triệu đồng/mắt. Từ khi đưa vào vận hành hệ thống camera đến nay, trên diện tích hơn 5.000 ha rừng do Ban Quản lý rừng phòng hộ Nghi Lộc quản lý đã phát hiện sớm và kịp thời dập tắt được 5 điểm có khói lửa, nguy cơ gây cháy rừng.
Ông Nguyễn Hải Âu - phụ trách Phòng Quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An) cho biết, trong điều kiện thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài, để phòng chống cháy rừng hiệu quả thì công tác giám sát, cảnh báo và phát hiện sớm các đám cháy được đặt lên hàng đầu. Trong đó, việc tỉnh Nghệ An bố trí nguồn kinh phí để lắp đặt và vận hành hệ thống camera giám sát và cảnh báo cháy rừng tại huyện Nghi Lộc đã phát huy hiệu quả rất cao. Việc vận hành hệ thống camera giúp giảm sức lao động của cán bộ lâm nghiệp khi không phải đứng trực ở các chòi, hình ảnh quan sát rộng, rõ nét, có thể theo dõi được mọi lúc, mọi nơi.
Từ kết quả bước đầu, trong năm 2020, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An tiếp tục khảo sát các điểm lắp đặt hệ thống camera tại các huyện Diễn Châu, Nam Đàn và Hưng Nguyên. Đây là những huyện trọng điểm, thường xuyên xảy ra cháy rừng. Ngoài ra tại các huyện này còn có các di tích lịch sử quan trọng như: Mộ bà Hoàng Thị Loan, Đền thờ Hoàng đế Quang Trung, Khu lăng mộ Vua Mai Hắc Đế, đền Chung Sơn…
Tăng cường các giải pháp phòng chống cháy rừng
Theo báo cáo của Phòng Quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên - Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An, từ đầu năm 2020 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 10 vụ cháy rừng với tổng diện tích rừng bị cháy trên 93 ha, diện tích rừng bị cháy không có khả năng phục hồi là trên 35 ha. Rừng bị cháy chủ yếu là rừng thông và keo được giao khoán cho các hộ dân trồng, quản lý, bảo vệ.
Theo ông Nguyễn Hải Âu, nguyên nhân khách quan của các vụ cháy rừng gần đây là do thời tiết nắng nóng kéo dài, gió phơn Tây Nam thổi mạnh, rừng thông là loại cây có tinh dầu, dễ cháy. Về nguyên nhân chủ quan là do người dân đốt ong, đốt thực bì để trồng rừng; đốt, dọn cỏ trên đồng ruộng, vườn vô ý gây cháy lan vào rừng. Gần đây, một số vụ việc có dấu hiệu cố ý đốt rừng, các cơ quan chức năng đã triệu tập một số người liên quan để điều tra, làm rõ.
Tỉnh Nghệ An là địa phương có diện tích đất lâm nghiệp và diện tích có rừng lớn nhất toàn quốc; trong đó diện tích rừng thông, keo giao khoán cho các hộ dân là trên 30.000 ha. Hàng năm tỉnh Nghệ An đều chú trọng các hoạt động tuyên truyền phòng chống cháy rừng, phát dọn thực bì trước mùa nắng nóng. Tuy nhiên, công tác phòng chống cháy rừng gặp một số khó khăn như: Kinh phí để phát dọn thực bì chỉ mới đảm bảo 20% trên tổng số diện tích có nguy cơ cháy; các dụng cụ, thiết bị để chữa cháy, cứu rừng còn hạn chế, hiện toàn tỉnh chỉ có 78 máy thổi (dụng cụ chữa cháy rừng hiệu quả nhất) được phân bổ cho các địa phương; tại một số nơi, người dân tự ý xây trụ bê tông chặn xe trọng tải lớn ra vào, khiến các xe chuyên dụng của lực lượng chữa cháy không thể đi vào, tiếp cận hiện trường khi xảy ra cháy rừng.
Thời gian tới, dự báo nắng nóng tiếp tục kéo dài, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao, diễn biến phức tạp và khó lường. Để kiểm soát, phòng ngừa cháy rừng có hiệu quả, UBND tỉnh Nghệ An đã có công văn, giao UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm, chủ rừng, chính quyền xã, tổ đội chữa cháy rừng ở cơ sở rà soát, kiểm tra lực lượng, phương tiện, vật tư, thực hiện phương châm "bốn tại chỗ" trong chữa cháy rừng; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, hướng dẫn việc sử dụng lửa trong rừng và ven rừng của người dân; dừng tất cả các hoạt động xử lý thực bì bằng sử dụng lửa và các hoạt động khác có nguy cơ gây cháy rừng.
Công an tỉnh Nghệ An chỉ đạo điều tra nguyên nhân, thủ phạm gây cháy rừng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra cháy rừng, không ứng cứu kịp thời, gây thiệt hại lớn. Các địa phương xảy ra cháy rừng tổ chức rút kinh nghiệm để khắc phục những tồn tại, bất cập trong quá trình triển khai phương án tác chiến chữa cháy rừng, nhất là công tác huy động lực lượng, hậu cần và chỉ huy chữa cháy rừng.