Ông Trần Nho Hưởng, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên cho biết, năm 2021, tỉnh có 7 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh lên 109 xã/137 xã, đạt 79,5% tổng số xã toàn tỉnh; 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, vượt 1 xã so với kế hoạch, nâng tổng số xã đạt xã nông thôn mới nâng cao toàn tỉnh lên 11 xã; 12 xóm đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, nâng tổng số xóm đạt chuẩn lên 63 xóm; có 53 sản phẩm được chứng nhân xếp hạng 3-4 sao OCOP, nâng tổng số sản phẩm được đánh giá, xếp hạng toàn tỉnh lên 129 sản phẩm.
Đặc biệt, thành phố Thái Nguyên, thị xã Phổ Yên và thành phố Sông Công đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; huyện Phú Bình có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Từ Chương trình xây dựng nông thôn mới, hệ thống hạ tầng, cảnh quan, môi trường nông thôn ngày càng thay đổi rõ nét; liên kết, hợp tác phát triển sản xuất có nhiều chuyển biến tích cực, số hợp tác xã tăng lên, quy mô lớn hơn, hiệu quả hoạt động cao hơn; hệ thống chính trị, an ninh trật tự nông thôn được ổn định, giữ vững; không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới, tỉ lệ hài lòng của người dân về công tác xây dựng nông thôn mới đạt trên 95%.
Năm 2022, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trở lên; phấn đấu có 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; có ít nhất 40 sản phẩm OCOP đạt hạng 3 sao.
Theo ông Trần Nho Hưởng, hàng loạt giải pháp để việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả đã được tỉnh đưa ra. Cụ thể, đối với cấp huyện, các đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới sẽ tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí, xây dựng các xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Đồng thời, chú trọng đẩy mạnh xây dựng và nhân rộng các mô hình “hộ gia đình nông thôn mới”, “xóm nông thôn mới kiểu mẫu”, “vườn mẫu”... Trong đó, lấy mô hình xây dựng “xóm nông thôn mới kiểu mẫu” làm hạt nhân, nhân rộng.
Riêng các huyện đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới trong giai đoạn 2021- 2025, tỉnh Thái Nguyên yêu cầu rà soát các nội dung cần hoàn thành để đạt được các tiêu chí huyện nông thôn mới; xây dựng kế hoạch, đề án huyện đạt chuẩn nông thôn mới, phân rõ thời gian, lộ trình để hoàn thành tiêu chí, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn thiết yếu như giao thông, thủy lợi, điện, trường học, y tế, văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại…
Đối với xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, xã xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và xã xây dựng nông thôn mới nâng cao, tỉnh chỉ đạo xây dựng kế hoạch đạt chuẩn các tiêu chí theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, kinh tế số vào công tác quản lý, điều hành và sản xuất. Bên cạnh đó,tỉnh chú trọng phát triển tổ chức sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, mở rộng quy mô sản xuất, tạo liên kết chuỗi gắn với phát triển sản xuất tiêu thụ các sản phẩm chủ lực, xây dựng đời sống văn hóa và môi trường sống xanh - sạch - đẹp, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội...góp phần đưa xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững hơn.
Các xã chưa về đích nông thôn mới, tỉnh Thái Nguyên yêu cầu thực hiện rà soát, đánh giá thực chất mức độ đạt các tiêu chí, xây dựng kế hoạch, cân đối nguồn lực để thực hiện, ưu tiên thực hiện các tiêu chí cần ít nguồn lực, tiêu chí thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh... tạo sự chuyển biến rõ nét và bền vững trên từng lĩnh vực, làm tiền đề phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới theo lộ trình đề ra.