Ninh Hải phát huy lợi thế về kinh tế biển, xây dựng nông thôn mới

Sáng 24/12, UBND tỉnh Ninh Thuận đã công bố quyết định công nhận huyện Ninh Hải đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020; đồng thời trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ninh Hải vì có thành tích xuất sắc cùng cả nước xây dựng nông thôn mới.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận trao bằng công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới cho lãnh đạo huyện Ninh Hải. Ảnh: Công Thử/TTXVN

Ninh Hải là huyện đồng bằng ven biển, nằm phía Đông Bắc của tỉnh với diện tích đất tự nhiên hơn 25.350 ha. Toàn huyện có 9 đơn vị hành chính gồm 1 thị trấn và 8 xã với dân số 92.320 khẩu, 29.720 hộ. Trước khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vào năm 2010, sản xuất nông nghiệp của huyện còn manh mún; công nghiệp, dịch vụ và thương mại chưa phát triển; cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân; thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 10,35 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 7,60%, bình quân mỗi xã chỉ đạt 4 tiêu chí.

Để thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ninh Hải đã đoàn kết, nhận thức sâu sắc vị trí, tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong quá trình chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, UBND huyện đã phát triển các vùng sản xuất chuyên canh tập trung như vùng sản xuất giống thủy sản tập trung Nhơn Hải, quy mô 98 ha; vùng chuyên canh lúa liên xã Xuân Hải - Hộ Hải - Tân Hải - Phương Hải với hơn 2.000 ha; vùng chuyên canh hành, tỏi liên xã Nhơn Hải - Thanh Hải - Vĩnh Hải; vùng chuyên canh Măng tây xanh xã Xuân Hải... gắn với ứng dụng khoa học - công nghệ, đưa cơ giới hóa vào sản xuất gắn với liên kết và tiêu thụ sản phẩm ngày một được nhân rộng và phát huy hiệu quả.

Huyện đã khai thác và phát huy tốt lợi thế về kinh tế biển và du lịch biển, mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản bình quân hằng năm trên 600 ha; trong đó diện tích nuôi tôm thương phẩm 500 ha/năm, sản lượng thu hoạch đạt 2.100 tấn/năm, sản lượng tôm giống bình quân đạt 19,6 tỷ post/năm. Năng lực tàu thuyền của huyện cũng phát triển đáng kể với 834 chiếc/132.590 CV, sản lượng khai thác bình quân đạt 25.000 tấn/năm.

Ninh Hải cũng là huyện sản xuất muối lớn nhất tỉnh với tổng diện tích 652 ha, sản lượng muối bình quân hàng năm đạt 290.000 tấn/năm. Bên cạnh đó, huyện cũng đã phát triển tốt các cụm du lịch trọng điểm trên địa bàn; triển khai có hiệu quả Chương trình OCOP gắn với phát triển các loại hình dịch vụ, du lịch ở nông thôn, nổi bật là điểm du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Núi Chúa đạt chuẩn sản phẩm OCOP 4 sao.

Bên cạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân, huyện Ninh Hải đã tập trung huy động nguồn lực, xây dựng kết cấu cơ sở hạ tầng nông thôn, đảm bảo tính kết nối lưu thông trong toàn huyện. Huyện cũng chú trọng đầu tư bài bản hệ thống thủy lợi để tưới tiêu; xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết y tế, giáo dục… đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân; công tác an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được đảm bảo, vững mạnh về mọi mặt.

Thành quả nổi bật trên đã giúp cơ cấu kinh tế của huyện Ninh Hải chuyển dịch đúng hướng và phát huy hiệu quả tích cực. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt 15,88%; giải quyết việc làm cho hơn 3.250 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 62,37%; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 43,58 triệu đồng/người/năm, cao gấp 4,2 lần so với năm 2010. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm còn 1,56%, thấp hơn so với trung bình toàn tỉnh là 5,33%.

Để giữ vững tiêu chí và phấn đấu đạt thành quả cao hơn, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam mong muốn Đảng bộ, chính quyền huyện Ninh Hải tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" và phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới".

Huyện cần tiếp tục triển khai có hiệu quả đề án xây dựng nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa và quy hoạch xây dựng huyện đến năm 2040 gắn với thực hiện chủ trương tái cơ cấu kinh tế, đảm bảo phù hợp với quy hoạch; tăng cường phát triển sản xuất, tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững. Cùng với đó, huyện thực hiện hiệu quả các chương trình chuyên đề trong xây dựng nông thôn mới; đặc biệt là các chương trình chuyển đổi số, chương trình mỗi xã một sản phẩm, tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn, phát triển du lịch nông thôn hướng tới xây dựng nông nghiệp hiện đại, nông thôn văn minh, nông dân giàu có.

Huyện cần bám sát định hướng phát triển của tỉnh, khai thác và phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế để phát triển, xây dựng huyện trở thành trung tâm động lực về phát triển kinh tế biển và du lịch của tỉnh.

Công Thử (TTXVN)
An Giang phấn đấu đến năm 2025 tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt tỷ lệ 80,17%
An Giang phấn đấu đến năm 2025 tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt tỷ lệ 80,17%

Giai đoạn 2021-2025, An Giang chọn 33 xã điểm (28 xã điểm chính và 5 xã dự phòng bổ sung) và 3 huyện, thị xã điểm nông thôn mới, 1 huyện nông thôn mới nâng cao tập trung chỉ đạo hỗ trợ đầu tư.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN