Theo đó, giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh An Giang phấn đấu có thêm 33 xã nông thôn mới (28 xã điểm chính và 5 xã dự phòng bổ sung), nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới toàn tỉnh đến năm 2025 lên 93/116 xã, tỷ lệ 80,17%. Cụ thể, đến cuối năm 2021, An Giang phấn đấu thực hiện 10 xã nông thôn mới. Năm 2022 phấn đấu thực hiện 9 xã nông thôn mới. Năm 2023 phấn đấu thực hiện 6 xã nông thôn mới. Năm 2024 thực hiện 2 xã nông thôn mới. Năm 2025 thực hiện 1 xã nông thôn mới. Đối với 5 xã dự phòng, phấn đấu đạt chuẩn vào năm 2024-2025.
Về lộ trình huyện nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, toàn tỉnh phấn đấu có thêm 2 huyện nông thôn mới và 1 thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, nâng tổng số đơn vị cấp huyện thực hiện hoàn thành Chương trình nông thôn mới đến năm 2025 là 6/11 đơn vị cấp huyện, đạt tỷ lệ 54,55%. Trong đó, đưa huyện Chợ Mới hoàn thành huyện nông thôn mới năm 2023, huyện Châu Thành hoàn thành huyện nông thôn mới năm 2024 và thị xã Tân Châu hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2024.
Về lộ trình huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, An Giang phấn đấu đưa huyện Thoại Sơn đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2023.
Để đạt được các mục tiêu trên, UBND tỉnh An Giang yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan, tham mưu UBND tỉnh bố trí vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các xã điểm, huyện điểm xây dựng nông thôn mới nâng cao đảm bảo đạt chuẩn theo lộ trình 2021-2025.
Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: UBND tỉnh giao Văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh An Giang chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch giai đoạn và hằng năm thực Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới theo lộ trình; tổng hợp theo dõi và báo cáo tiến độ về kết quả và khả năng phấn đấu đạt chuẩn của các xã theo từng năm về Ban Chỉ đạo các Chương trình Mục tiêu Quốc gia tỉnh và UBND tỉnh.
“UBND tỉnh cũng giao các sở, ngành phụ trách tiêu chí nông thôn mới, theo chức năng, nhiệm vụ của ngành, xây dựng kế hoạch giai đoạn và hằng năm để hỗ trợ địa phương thực hiện tiêu chí, chỉ tiêu phụ trách. Hằng năm cân đối các nguồn kinh phí, kể cả vốn đầu tư phát triển và vốn sự nghiệp từ các Chương trình mục tiêu, Dự án thành phần do sở, ban, ngành phụ trách, ưu tiên hỗ trợ, bố trí cho 28 xã và 3 huyện, thị xã nông thôn mới, 1 huyện nông thôn mới nâng cao theo lộ trình; tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, hỗ trợ về chuyên môn cho các xã trong lộ trình”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết thêm.
Hiện UBND tỉnh An Giang cũng giao UBND huyện Chợ Mới, Châu Thành và UBND thị xã Tân Châu xây dựng và hoàn chỉnh Đề án huyện, thị xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 theo lộ trình; đồng thời giao UBND huyện Thoại Sơn chủ động xây dựng Đề án huyện nông thôn mới nâng cao đến năm 2023.
UBND tỉnh An Giang cũng yêu cầu UBND cấp huyện xây dựng kế hoạch trung hạn, kế hoạch hằng năm nhằm đạt mục tiêu, lộ trình thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới các xã theo quy định; xây dựng kế hoạch chuyên đề về huy động xã hội hóa nguồn lực, trong đó tập trung huy động sự hỗ trợ từ doanh nghiệp, các tổ chức xã hội trong, ngoài tỉnh để hỗ trợ đầu tư các công trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025…
Đặc biệt, UBND tỉnh cũng yêu cầu các địa phương cân đối các nguồn vốn ngân sách địa phương đảm bảo đối ứng theo quy định, chủ động công tác chuẩn bị đầu tư, tạo quỹ đất; vận dụng linh hoạt quy trình đầu tư để đẩy nhanh tiến độ công trình trong xây dựng nông thôn mới; tăng cường và đổi mới hình thức vận động, tuyên truyền cả chiều rộng và chiều sâu để Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trở thành công tác thường xuyên và đi vào cuộc sống của người dân nông thôn./.