Theo đó, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Nam Định khẩn trương rà soát lại nhà yếu ở thành phố, nhà tạm ven sông, ở những vùng có nguy cơ sạt lở, ngập úng; có phương án di dời người dân ra khỏi những nơi không an toàn; đảm bảo đời sống cho người dân ở nơi di dời mới.
Chính quyền các địa phương khẩn trương phối hợp với các đơn vị có liên quan bằng mọi phương tiện, nhân lực bơm nước tiêu úng ở vùng ngập lụt, cây trồng bị ngập úng đảm bảo để lúa, rau màu không bị ngập lâu trong nước; theo dõi chặt chẽ diễn biến thông tin thời tiết của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh để có biện pháp xử lý ứng phó kịp thời với mưa lớn kéo dài.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các địa phương thực hiện các biện pháp chống úng cho lúa, rau màu; thu hoạch, khắc phục những diện tích lúa, màu bị ngập úng; bảo vệ lúa chưa trỗ và rau màu; bảo đảm an toàn cho vùng nuôi trồng thủy sản.
Các sở, ngành liên quan, Công ty Điện lực, các Công ty Khai thác công trình thủy lợi…chủ động phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo, triển khai các phương án phòng, chống mưa lớn kéo dài chủ động phương án tiêu nước trên toàn tuyến; vận hành hệ thống thủy lợi một cách linh hoạt giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn kéo dài; chủ động phương án đảm bảo an toàn lưới điện…
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, trong tuần qua, địa bàn tỉnh xảy ra mưa lớn kèm theo dông gió (từ ngày 26/9 đến nay, lượng mưa cả đợt bình quân 227,2 mm) gây ngập úng kéo dài tại nhiều tuyến đường ở thành phố Nam Định và những vùng trũng thấp trên địa bàn toàn tỉnh làm ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người dân. Đặc biệt, mưa lớn gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất lúa Mùa, nhất là những diện tích lúa đang chuẩn bị cho thu hoạch. Tính đến hết ngày 27/9, toàn tỉnh đã có có 2.947 ha lúa bị đổ và 7.230 ha bị ngập sâu trong nước.