Tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định cuộc sống người dân

Tiếp tục khắc phục và ứng phó với mưa lũ, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm Công điện số 898/CĐ-TTg ngày 28/9 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ.

Chú thích ảnh
Người dân xã Yên Hợp (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) giúp nhau vận chuyển tài sản, đồ đạc để tránh lũ tại các gia đình đã bị ngập nặng. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN

Các tỉnh, thành phố huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, khôi phục sản xuất ngay sau lũ, sớm ổn định đời sống người dân; kịp thời hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu cho các hộ dân bị thiệt hại, kiên quyết không để người dân nào bị thiếu đói.

Các địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, nhất là tại Thanh Hóa, Nghệ An và một số tỉnh miền núi phía Bắc; triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn. Đồng thời, các địa phương sẵn sàng lực lượng cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra; tổ chức trực ban, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Cấp ủy, chính quyền các địa phương đã thăm hỏi, động viên những gia đình có người thương vong và mất tích, tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng hỗ trợ, giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống.

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và phóng viên TTXVN tại các địa phương, mưa lớn từ ngày 24-28/9 đã gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tại nhiều điểm.

Tính đến 8 giờ ngày 28/9, mưa lớn đã làm một người chết do sét đánh (thôn 6, xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị), 7 người bị thương (Yên Bái 1, Thừa Thiên - Huế 6), một người bị lũ cuốn trôi (tại bản Lầu, xã Sơn Hà, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa); 2 nhà bị sập (Nghệ An); 297 nhà bị hư hại (Thanh Hóa 20, Nghệ An 99, Hà Tĩnh 6, Quảng Trị 88, Thừa Thiên - Huế 84).

Chú thích ảnh
Mưa lớn trên diện rộng đã gây ngập lụt một số tuyến đường và chia cắt giao thông ở khu vực biên giới địa bàn hai huyện miền núi Minh Hóa và Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: TTXVN phát

Mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất làm 7 điểm đường giao thông bị sạt lở (Yên Bái, Hòa Bình); 7 cầu dân sinh bị hư hỏng (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình); sạt lở đất đá tại 84 điểm đường giao thông (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình); 6 cống bị hư hỏng, cuốn trôi (Thanh Hóa, Nghệ An ); một ngầm tràn bị xói lở (Quảng Bình); 5.807 ha lúa, hoa màu và các loại cây khác bị thiệt hại; 2.388 con gia súc và gia cầm bị chết; 677,5 ha ao hồ bị ngập (Thanh Hóa, Nghệ An); ba lồng cá bị cuốn trôi (Nghệ An).

Cùng với đó, mưa lớn đã làm 10m mái đê tả sông Hoàng (Thanh Hóa) bị sạt lở, một tàu cá bị chìm khi đang neo đậu trên sông Gianh (Quảng Bình). Hai cột điện trung thế bị gãy đổ (Thừa Thiên - Huế); 2.000 cây ăn quả, cây bóng mát bị ảnh hưởng, một nhà văn hóa, 3 nhà kho bị hư hỏng (Quảng Trị); 993m hàng rào bị sập đổ ( tại Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh); 160m ống nước sinh hoạt bị hư hỏng (tại Nghệ An); hai nhà hàng nổi bị chìm, trôi (tại Quảng Bình)...

Thắng Trung (TTXVN)
Nhiều khu vực của Hà Nội ngập sau cơn mưa lớn
Nhiều khu vực của Hà Nội ngập sau cơn mưa lớn

Cơn mưa lớn sáng ngày 28/9, đã làm nhiều tuyến phố Hà Nội ngập nặng, ảnh hưởng đến người tham gia giao thông. Có khu vực lượng mưa đo được lên đến 100 mm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN