Long An phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông

Xác định hệ thống giao thông có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhiều năm qua, tỉnh Long An tập trung các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông tại địa phương.

Đến nay, hệ thống giao thông của tỉnh đã phát triển tương đối đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi trong việc kết nối với Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố khác; kết nối với hệ thống cảng biển. Từ đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Chú thích ảnh
Giai đoạn 2015 - 2020, hạ tầng giao thông của Long An được đầu tư tương đối đồng bộ. Ảnh: Bùi Giang/TTXVN

Long An là địa phương nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nhưng hệ thống giao thông - vận tải, nhất là phục vụ nhu cầu phát triển công nghiệp vẫn còn hạn chế, đường nhỏ hẹp, xuống cấp, chưa có sự kết nối đồng bộ dẫn đến không theo kịp yêu cầu phát triển.

Tại 4 huyện trọng điểm phát triển công nghiệp của tỉnh gồm: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước và Cần Giuộc, ngoài những tuyến đường quốc lộ và tuyến cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Trung Lương đi ngang qua, hệ thống giao thông trong vùng chưa có sự kết nối. Vì thế, nhiều nhà đầu tư khi đến tìm hiểu đầu tư, dù thấy được tiềm năng to lớn tại Long An nhưng vẫn còn e ngại do hệ thống giao thông không đồng bộ, tốn kém chi phí vận chuyển và các chi phí logistics.
 
Xác định đây chính là điểm nghẽn trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tỉnh Long An đã tập trung mọi nguồn lực để phát triển hệ thống hạ tầng giao thông kết nối thông suốt từ các khu kinh tế đến cảng biển, kết nối với Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trong khu vực.
 
Con đường ĐT 830 là công trình trọng điểm của tỉnh Long An trong giai đoạn 2015 - 2020 được đầu tư xây dựng mới với quy mô 4 làn xe, tổng chiều dài khoảng 55 km. Đây  là tuyến huyết mạch kết nối thông suốt từ các huyện phát triển công nghiệp của tỉnh đến Cảng Quốc tế Long An; đồng thời kết nối với các tuyến giao thông quan trọng khác như cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Trung Lương, Quốc lộ 1, Quốc lộ 50.

Từ khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, tuyến đường này không chỉ làm thay đổi diện mạo địa phương, mà còn tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại, vận chuyển hàng hóa từ các khu, cụm công nghiệp đến cảng biển hoặc đi Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khác. Đây cũng là giải pháp để tỉnh đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo động lực trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ.
 
Theo ông Phạm An Vững, Giám đốc dự án Khu công nghiệp Hải Sơn (huyện Đức Hòa, Long An), việc tỉnh đầu tư xây dựng đường ĐT 830 cùng các tuyến đường giao thông trên địa bàn đã tạo thuận lợi cho các khu công nghiệp trong việc thu hút đầu tư. Đồng thời, giúp các doanh nghiệp sản xuất vận chuyển hàng hóa đi các tỉnh, thành phố khác hoặc đến Cảng quốc tế Long An để xuất khẩu rất thuận tiện.

Chú thích ảnh
Cùng với hệ thống đường sá, Cảng Quốc tế Long An được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp; góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Ảnh: Bùi Giang/TTXVN

Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Tập đoàn Đồng Tâm (Bến Lức, Long An) cho biết, ngoài những lĩnh vực truyền thống, doanh nghiệp đang đầu tư mạnh vào phát triển hạ tầng khu công nghiệp và logistics trên địa bàn tỉnh Long An. Đáng chú ý là dự án Cảng Quốc tế Long An đã và đang được tập đoàn tâm huyết đầu tư với nguồn vốn trên 10.000 tỷ đồng. Việc chính quyền đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ sẽ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa đến cảng, cắt giảm các chi phí liên quan đến logistics. Khi các tuyến giao thông kết nối thông suốt, Cảng Quốc tế Long An sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa cho các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn mà còn cả một phần Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
 
Ngoài những công trình trọng điểm như đường ĐT830, Long An còn tập trung thực hiện Chương trình huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm với danh mục 14 công trình giao thông đột phá phục vụ phát triển công nghiệp tại các huyện công nghiệp của tỉnh.

Theo kế hoạch, 14 dự án, công trình giao thông sẽ được cải tạo, nâng cấp và mở rộng gần 95km đường; trong đó cải tạo, nâng cấp, mở rộng gần 70km và làm mới gần 24km. Tổng mức đầu tư của 14 dự án, công trình gần 5.900 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn ngân sách nhà nước trên 2.900 tỷ đồng, nguồn vốn vận động doanh nghiệp gần  3.000 tỷ đồng. Đến nay, sau 5 năm triển khai thực hiện, có 9 dự án, công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng, 2 công trình sẽ hoàn thành trong năm 2020 và 3 công trình hoàn thành sau năm 2020.
 
Theo ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, việc thực hiện các công trình trọng điểm và chương trình huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp được các cấp, ngành trong tỉnh quan tâm tập trung thực hiện. Các dự án, chương trình này cũng nhận được sự quan tâm đóng góp kinh phí từ cộng đồng doanh nghiệp để cùng với nhà nước đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông; nhân dân trong vùng cũng đồng tình, ủng hộ, tạo thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng cơ bản đúng tiến độ. Do đó, nhiều dự án hoàn thành đúng tiến độ như đường ĐT 825, ĐT 823, ĐT 826B..., đóng góp rất lớn trong việc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế của tỉnh nói chung và phát triển công nghiệp nói riêng trong thời gian qua; góp phần đưa tỷ lệ lấp đầy các khu, cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động khá cao, cụ thể: 16 khu công nghiệp đang hoạt động có tỷ lệ lấp đầy khoảng 86%; 21 cụm công nghiệp đang hoạt động, lấp đầy đạt gần  87%. 

Chú thích ảnh
Nhiều tuyến đường tại Long An được xây dựng mới, góp phần đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải và đi lại của nhân dân. Ảnh: Bùi Giang/TTXVN

Tuy nhiên, theo đánh giá của Tỉnh ủy Long An, hạ tầng giao thông tuy có quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng yêu cầu; các tuyến giao thông kết nối theo nội dung hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh khác còn chậm. Do đó, giai đoạn 2021 - 2025, Long An tiếp tục thực hiện chương trình đột phá, huy động mọi nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng giao thông vùng kinh tế trọng điểm với danh mục dự kiến 8 công trình với tổng số vốn hơn 13.000 tỷ đồng. Đồng thời tập trung thực hiện 3 công trình giao thông trọng điểm gồm Đường vành đai thành phố Tân An và cầu qua sông Vàm Cỏ; Đường ĐT830E và đường ĐT827E kết nối với Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trong khu vực.
 
Theo ông Nguyễn Văn Được, Bí thư Tỉnh ủy Long An, giai đoạn tới, tỉnh sẽ tập trung đầu tư các công trình giao thông quan trọng trên địa bàn các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm bằng nhiều nguồn lực, nhằm tạo sự kết nối đồng bộ về giao thông giữa các địa phương phát triển công nghiệp với Tp. Hồ Chí Minh, Cảng Quốc tế Long An, góp phần thúc đẩy khu vực này phát triển nhanh và bền vững.
 
Trong tương lai gần, khi Chương trình Huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trong điểm và kế hoạch đầu tư các công trình giao thông kết nối giữa Long An và Tp. Hồ Chí Minh hoàn thành sẽ làm cho hệ thống giao thông, vận tải của địa phương thay đổi theo hướng đồng bộ, hoàn chỉnh, hiện đại. Đây là điều kiện để Long An bứt phá vươn lên trong phát triển kinh tế, thu hút đầu tư trong thời gian tới.

Thanh Bình (TTXVN)
Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Long An lần thứ V
Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Long An lần thứ V

Ngày 28/10, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Long An tổ chức Đại hội thi đua yêu nước lần thứ V (2020 – 2025).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN