Theo đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh Long An, việc kiểm soát thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch đối với công nhân lao động không khó, khó khăn là Long An còn hạn chế năng lực xét nghiệm cho lượng công nhân khá lớn.
Theo Công văn 5183, đối với chuyên gia và công nhân lao động, UBND tỉnh Long An giao cho các ban, ngành và địa phương liên quan phối hợp quản lý, giám sát chặt chẽ việc đảm bảo khoảng cách, khai báo y tế hàng ngày, giám sát lịch trình di chuyển của công nhân lao động từ nhà (ở Long An) đến công ty làm việc (ở Thành phố Hồ Chí Minh) và ngược lại, đảm bảo chặt chẽ, đồng bộ và an toàn.
Qua khảo sát, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Long An Nguyễn Văn Quí cho biết, việc thực hiện Công văn 5183 không gặp nhiều khó khăn. Hiện Long An có khoảng 10.000 công nhân lao động chủ yếu làm việc ở Khu công nghiệp Pou-Yuen (quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh), còn chiều từ Thành phố Hồ Chí Minh về Long An làm việc chủ yếu là chuyên gia và người quản lý, việc đi về không gấy ách tắc hay trở ngại trong thực hiện quy định phòng, chống dịch COVID-19.
Tất cả các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện đầy đủ việc quản lý, giám sát chặt chẽ theo Quyết định số 2194 ngày 27/5/2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 “Hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại nơi làm việc và ký túc xá cho người lao động”.
Liên đoàn Lao động tỉnh giao các cấp Công đoàn và doanh nghiệp thực hiện quản lý, giám sát chặt chẽ việc đảm bảo khoảng cách, khai báo y tế hàng ngày, lịch trình di chuyển... “Đa số các doanh nghiệp có ý thức, trách nhiệm quản lý tốt, thực hiện đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch nên vừa qua có ca bệnh COVID-19 liên quan đến doanh nghiệp nhưng không làm ảnh hưởng đến công nhân lao động. Khó khăn hiện nay của Long An là còn hạn chế năng lực xét nghiệm cho lượng công nhân khá lớn, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID – 19 tỉnh sẽ họp bàn giải pháp cụ thể” – ông Nguyễn Văn Quí thông tin thêm.
Theo quy định tại Công văn 5183 có hiệu lực từ 0 giờ ngày 5/6/2021 của UBND tỉnh Long An, người từ các điểm có dịch về phải cách ly y tế tập trung đủ 21 ngày, lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 đủ 4 lần. Đối tượng bị cách ly tập trung tự chi trả các chi phí liên quan và chi phí xét nghiệm COVID-19. Người từng đến, về từ khu vực khác không liên quan đến các điểm có dịch theo thông báo của các cơ quan chức năng tự cách ly tại nhà đủ 14 ngày, lấy mẫu xét nghiệm 3 lần và tự chi trả chi phí xét nghiệm.
Ghi nhận tại các chốt kiểm soát tại huyện Bến Lức - huyện cửa ngõ nối Thành phố Hồ Chí Minh về Long An theo quốc lộ 1A, lượng người dân ở Thành phố về quê Long An trong ngày 5/6 giảm nhiều. Nhiều người sống ở Long An, làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại đã chủ động chọn cách an toàn cho bản thân và gia đình, đồng thời tuân thủ theo quy định của tỉnh.
Anh Nguyễn Lê Tân Bình ở huyện Bến Lức (Long An) làm việc và ở tại quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh. Hiện Thành phố Hồ Chí Minh đang vào đợt dịch mới, anh Bình yên tâm có chỗ làm ổn định và luôn chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch an toàn. Thông thường anh Bình về quê ở Bến Lức tuần/lần, nhưng đợt dịch này đã gần 10 ngày anh chưa về.
Anh Bình chia sẻ: Được biết từ ngày 5/6, người từ Thành phố Hồ Chí Minh về Long An phải khai báo y tế và tự cách ly tại nhà 14 ngày, nên tôi thấy chưa nên về quê, chờ thời điểm thích hợp. Tôi thấy quy định này của Long An hợp lý vì không ai biết mình có tiếp xúc với người bệnh hay đã bị nhiễm virus SARS-CoV-2 hay không. Nếu về mà bị cách ly 14 ngày thì tôi chọn ở lại cho đến khi Long An có thông báo mới, vì sức khỏe bản thân, gia đình và bạn bè mình.
Tại Long An đã xuất hiện những ca bệnh đầu tiên trong cộng đồng xuất phát từ các ổ dịch ở Thành phố Hồ Chí Minh, việc hạn chế đi lại góp phần bảo vệ an toàn cho mỗi người cũng như cộng đồng, thuận lợi cho công việc và hạn chế thấp nhất khả năng lây lan của dịch bệnh.